2 thứ trưởng Bộ Tài Chính liên luỵ vụ Út Trọc: “Ghế quan” có lay?

Google News

(Kiến Thức) - Hai thứ trưởng Tài Chính được xác định có liên quan đến vụ Út trọc. Tuy nhiên VKS cho rằng cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự, mà kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền. Như vậy, liệu “ghế quan”: có lay?

Ngày 26/10, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành cáo trạng vụ án xảy ra tại Công ty cổ phần Tập đoàn Yên Khánh, Tổng công ty Cửu Long và các đơn vị liên quan trong việc đấu thầu và thu phí tuyến cao tốc TP.HCM - Trung Lương.
Hai Thứ trưởng Bộ Tài chính có liên quan vụ Út “trọc”
Theo cáo trạng, Viện Kiểm sát xác định từ chỉ đạo của Nguyên bộ Trưởng Đinh La Thăng, cựu Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường, công ty của bị can Đinh Ngọc Hệ (Út "trọc") đã trúng đấu giá quyền thu phí cao tốc TPHCM - Trung Lương, từ đó chiếm đoạt tiền thu phí hơn 725 tỷ đồng.
Đồng thời, về trách nhiệm Bộ Tài chính, cáo trạng nêu rõ, quá trình xây dựng đề án bán quyền thu phí, bộ này có 3 văn bản tham gia ý kiến gửi Bộ GTVT.
Cụ thể, ngày 15/4/2013, bà Nguyễn Thị Minh, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ký văn bản có nội dung: "Đồng ý, thống nhất với Bộ Giao thông vận tải chuyển giao quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương trong 5 năm".
2 thu truong Bo Tai Chinh lien luy vu Ut Troc: “Ghe quan” co lay?
 Út trọc Đinh Ngọc Hệ.
Tiếp đó, ngày 29/7/2013, ông Nguyễn Hữu Chí, Thứ trưởng Bộ Tài chính, ký văn bản có nội dung: "Đề nghị Bộ Giao thông vận tải quyết định mức giá khởi điểm bán đấu giá quyền thu phí; thành lập hội đồng bán đấu giá hoặc thuê tổ chức có chức năng bán đấu giá quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương theo quy định".
Ngoài ra, ông Chí cũng ký văn bản khác có nội dung: "Do đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là tài sản đường bộ có tính chất chuyên ngành, nên trường hợp Bộ Giao thông vận tải thành lập hội đồng bán đấu giá, Bộ Tài chính đề nghị lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải làm Chủ tịch hội đồng. Trong trường hợp đã hết thời hạn đăng ký tham gia đấu giá mà có ít hơn 2 người tham gia đủ điều kiện tham dự đấu giá thì xử lý như sau: Trường hợp chỉ có một người đăng ký mua tài sản và có văn bản trả giá ít nhất bằng giá khởi điểm, hội đồng xem xét quyết định việc bán chỉ định...".
Viện Kiểm sát kết luận việc Bộ Tài chính đề nghị Bộ GTVT làm Chủ tịch hội đồng bán đấu giá, và hướng dẫn Bộ Giao thông vận tải áp dụng nghị định 52 năm 2009 của Chính phủ để bán chỉ định đối với tài sản Nhà nước, trong trường hợp chỉ có một người tham gia đấu giá là chưa phù hợp theo một số nghị định khác của Chính phủ.
Tuy nhiên, Viện Kiểm sát cho rằng do quyền thu phí đường cao tốc TPHCM - Trung Lương là tài sản đặc thù có tính chuyên ngành, vì vậy Bộ Tài chính đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm chủ tịch hội đồng bán đấu giá. Về việc bán chỉ định, Bộ Tài chính hướng dẫn áp dụng trong trường hợp khi hết thời hạn đăng ký tham gia giá đấu giá chỉ có một người đăng ký. Trong vụ án này, khi hết thời hạn vẫn có 2 đơn vị đăng ký, nhưng bị can Dương Minh Tuấn chỉ ký giấy mời một đơn vị là Công ty Yên Khánh, và tổ chức bán đấu giá theo hình thức chỉ định, không báo cáo xin ý kiến Bộ Tài chính.
Vì vậy, Viện Kiểm sát cho rằng cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự, mà kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân có liên quan thuộc Bộ Tài chính là phù hợp.
“Ghế quan” có lay?
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, Cơ quan điều tra và viện Kiểm sát đã không đề nghị xử lý hình sự với hai Thứ trưởng Bộ Tài chính, tuy nhiên tòa án có thể có quan điểm khác.
Theo luật sư Cường, quy trình tố tụng hình sự sẽ trải qua ba giai đoạn là điều tra, truy tố và xét xử. Giai đoạn điều tra, thẩm quyền xem xét trách nhiệm hình sự thuộc về cơ quan điều tra và viện kiểm sát. Nhiệm vụ của Viện kiểm sát là kiểm sát hoạt động điều tra và thực hành quyền công tố tại phiên tòa. Việc khởi tố bị can, phê chuẩn quyết định khởi tố bị can nào trong vụ án hình sự luôn có sự nhất trí của Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan điều tra.
Sau khi kết thúc giai đoạn điều tra, cơ quan điều tra chuyển hồ sơ sang viện kiểm sát, viện có quyền trả hồ sơ để cơ quan điều tra bổ sung làm rõ hành vi của một số cá nhân có liên quan và cũng có thể đề nghị khởi tố bị can trong giai đoạn điều tra vụ án.
Tuy nhiên, trong vụ án này quá trình kiểm sát hoạt động điều tra và xem xét truy tố Viện kiểm sát đã không đề nghị khởi tố bị can đối với hai lãnh đạo của Bộ Tài chính. Bởi vậy, không có căn cứ để xét xử đối với hai vị lãnh đạo này.
Tuy nhiên quá trình giải quyết vụ án của tòa án trong giai đoạn xét xử và quá trình tranh tụng tại phiên tòa nếu có căn cứ cho thấy hành vi của hai lãnh đạo này có dấu hiệu đồng phạm hoặc đủ căn cứ để xử lý về một tội phạm khác, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án và hội đồng xét xử có quyền căn cứ vào các quy định của bộ luật tố tụng hình sự để trả hồ sơ để điều tra bổ sung và yêu cầu xem xét trách nhiệm của những người khác có liên quan đến vụ án mà chưa bị truy tố theo quy định pháp luật.
Cáo trạng cũng nêu rõ lý do Viện Kiểm sát cho rằng cơ quan điều tra không xem xét xử lý hình sự, mà kiến nghị xử lý kỷ luật về Đảng và chính quyền đối với những cá nhân có liên quan thuộc Bộ Tài chính là phù hợp.
2 thu truong Bo Tai Chinh lien luy vu Ut Troc: “Ghe quan” co lay?-Hinh-2
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Về vấn đề này, tòa án sẽ làm rõ vai trò trách nhiệm của hai Thứ trưởng Bộ tài chính, làm rõ hành vi của hai vị này có tác động như thế nào đối với các bị cáo khác, có biết những sai phạm của các bị cáo khác và cố tình thực hiện hành vi hay không? Hậu quả của hành vi này tác động thế nào đối với xã hội trên cơ sở đó để xem xét trách nhiệm pháp lý có đồng phạm hay không, có cấu thành tội phạm khác hay không?
Trong trường hợp quá trình nghiên cứu hồ sơ cũng như quá trình tranh tụng tại phiên tòa, nếu có căn cứ cho thấy các vị này có vi phạm đến mức phải xử lý hình sự, tòa án cũng sẽ đề nghị khởi tố bị can và xử lý theo quy định pháp luật, trong trường hợp này sẽ trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Trường hợp quá trình giải quyết vụ án tòa án cũng đồng quan điểm với cơ quan điều tra và Viện kiểm sát sẽ không xử lý hình sự với hai vị lãnh đạo này mà chỉ đề nghị xem xét kỷ luật đảng và kỉ luật về mặt chính quyền.
Trường hợp kỷ luật Đảng sẽ được thực hiện theo quy định của điều lệ đảng và Quy định số 102-QĐ/TW của Ban chấp hành trung ương về các hình thức kỷ luật đảng viên.
Về mặt chính quyền sẽ xem xét kỷ luật công chức theo quy định tại Nghị định số 34/2011/NĐ-CP nay thay thế bằng Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Như vậy, trong trường hợp bị xử lý hình sự, cán bộ, công chức, đảng viên cũng đồng thời bị xử lý kỷ luật công chức và kỷ luật đảng. Còn trường hợp không bị xử lý hình sự nhưng hành vi vi phạm kỷ luật đảng, kỷ luật công chức thì mặc dù không bị xem xét xử lý hình sự vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật đảng và kỷ luật công chức theo quy định của pháp luật. Mức độ kỷ luật đến đâu, kiếm được như thế nào phụ thuộc vào lỗi vi phạm trên cơ sở kết luận của cơ quan chức năng Đối chiếu với các quy định về kỷ luật đảng và kỷ luật công chức.
>>> Mời độc giả xem thêm video Khởi tố Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung

Nguồn: VTV 1

Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)