Mới đây, Công an thành phố Biên Hòa, Đồng Nai cho biết, đơn vị đang lập hồ sơ xử lý cơ sở Karaoke "Thu Hằng", khu phố 9 phường Tân Phong, TP Biên Hòa do mở quán cho khách hát karaoke và cho nhân viên thoát y phục vụ bất chấp lệnh tạm ngưng kinh doanh của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai để phòng chống dịch bệnh COVID-19.
Khoảng 22h30 ngày 19/6, Công an thành phố Biên Hòa phối hợp cùng Công an phường Tân Phong ập vào kiểm tra hành chính quán Karaoke "Thu Hằng". Cảnh sát phát hiện khoảng 20 khách và nhân viên đang hát Karaoke. Đặc biệt, tại một phòng hát có 2 nhân viên nữ thoát y, không mảnh vải che thân để phục vụ nhảy múa và hát với khách.
|
Cơ sở karaoke "Thu Hằng". |
Cơ quan công an cho biết, ngoài xử lý các hành vi vi phạm về an ninh trật tự, chủ cơ sở và các khách hát karaoke đang được Công an thành phố xử lý vi phạm các quy định về phòng chống dịch bệnh.
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, cơ sở karaoke Thu Hằng đã mở cửa đón khách, tập trung đông người khi đã có yêu cầu dừng kinh doanh để phòng chống dịch bệnh là hành vi vi phạm pháp luật. Cơ sở kinh doanh và những người hát karaoke, phục vụ ở quán hát này sẽ bị xử phạt hành chính, nếu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điểm c, Khoản 3, Điều 12, Nghị định số 117/2020/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế thì với hành vi không thực hiện quyết định áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng để phòng, chống dịch bệnh COVID-19 mà chưa phát sinh chi phí chống dịch đến 100.000.000 đồng, chưa làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính với mức phạt như sau: Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tố chức).
Trường hợp chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như: quán bar, karaoke, dịch vụ mát xa, cơ sở thẩm mỹ, phòng tập gym/yoga/game, rạp chiếu phim...) thực hiện hoạt động kinh doanh khi đã có quyết định tạm đình chỉ hoạt động kinh doanh để phòng chống dịch bệnh COVID-19, gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng chống dịch bệnh sẽ bị xử lý về tội vi phạm quy định an toàn nơi đông người theo Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015.
Nội dung này đã được hướng dẫn cụ thể tại Công văn số 45/TANDTC-PC. Như vậy, trước mắt sẽ xử phạt hành chính đối với cơ sở kinh doanh này với mức phạt có thể lên đến 40.000.000 đồng. Trường hợp phát sinh chi phí chống dịch sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự người đứng đầu cơ sở kinh doanh này nếu chi phí phát sinh từ 100.000.000 đồng trở lên.
Đối với những người đến hát karaoke và nhân viên phục vụ cũng sẽ bị xử phạt có thể đến 20.000.000 đồng theo quy định nêu trên.
Ngoài ra, nếu khu vực đó đã được ban bố tình trạng khẩn cấp về dịch bệnh mà tổ chức, cá nhân vẫn không tuân thủ quy định về hạn chế kinh doanh, mức phạt sẽ nghiêm khắc hơn, cụ thể là: Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với cá nhân (từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với tổ chức) theo quy định tại Điểm b Khoản 5 Điều 12 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
Ngoài ra, hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác, người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 6 Điều 19 Nghị định 158/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo.
Cụ thể, phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tổ chức cho khách nhảy múa thoát y hoặc tổ chức hoạt động khác mang tính chất đồi trụy tại vũ trường, nơi tổ chức hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng khác, nhà hàng ăn uống, giải khát, nhà hàng karaoke.
Như vậy, đối với hành vi để tiếp viên thoát y, khiêu dâm trong phòng hát karaoke, người quản lý, điều hành quán sẽ bị phạt đến 30.000.000 đồng.
Cơ quan chức năng cũng sẽ xác định độ tuổi của các nữ tiếp viên này. Trường hợp có nữ tiếp viên là người chưa thành niên, người quản lý, điều hành quán này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm theo điều 147 Bộ luật Hình sự về tội sử dụng người dưới 16 tuổi vào mục đích khiêu dâm.
“Những vụ việc coi thường pháp luật, gây mất an toàn cho cộng đồng như thế này thì cần phải xử lý nghiêm minh, kịp thời để răn đe, phòng ngừa chung cho xã hội, tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra” – luật sư Cường nêu ý kiến.
>>> Mời độc giả xem thêm video Giải cứu 8 cô gái bị ép bán dâm trong quán karaoke: