PV Tri thức và Cuộc sống đã trao đổi với TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) và chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú xung quanh vấn đề trên.
|
Ảnh minh họa. |
“Xem xét sức khỏe của các ngân hàng”
Việc Ngân hàng Nhà nước thanh tra đột xuất 11 ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp nhằm làm trong sạch hệ thống ngân hàng, hay còn mục đích nào khác, thưa ông?
TS Lê Đăng Doanh: Việc thanh tra các ngân hàng về đầu tư trái phiếu doanh nghiệp và các biện pháp xử lý liên quan góp phần phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm và các rủi ro mất an toàn trong hoạt động, đảm bảo việc chấp hành các quy định pháp luật trong đầu tư trái phiếu doanh nghiệp.
Ngoài ra, còn một mục đích nữa là để xem xét sức khỏe của các ngân hàng trong phát hành, tư vấn, bảo lãnh phát hành trái phiếu và quản lý của các ngân hàng này, cũng như số nợ tồn đọng. Trên cơ sở đó, có thể lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng và tín dụng, rồi tìm cách khơi thông một số kênh tín dụng để đáp ứng các yêu cầu trước mắt.
Chúng ta đều biết, hiện doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, áp lực; do đó phải xem xét làm sao cho rõ ràng, lành mạnh, trên cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua tình hình hiện nay.
Ông Vũ Vinh Phú: Đây là một hoạt động bình thường. Lãnh đạo quản lý mà không kiểm tra, thì coi như không lãnh đạo. Thực tế thời gian qua có một số doanh nghiệp muốn thu hút vốn để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhưng lại huy động lớn quá sức của mình, đến thời kỳ đáo hạn trái phiếu không có đủ khả năng chi trả, gây hệ lụy xấu cần giải quyết ở tầm vĩ mô.
Để kênh huy động vốn trở lại bình thường, tạo niềm tin cho thị trường, Chính phủ mới đây cũng ra Nghị định 08 để giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc này.
|
TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương |
Xử lý nghiêm các ngân hàng để xảy ra vi phạm đã cảnh báo
Ngân hàng Nhà nước chỉ thị cơ quan thanh tra giám sát cần cảnh báo kịp thời, xử lý nghiêm vi phạm đối với việc cấp tín dụng của các ngân hàng trong lĩnh vực rủi ro, phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, hạch toán lại dự thu.
Ngân hàng Nhà nước sẽ xử lý nghiêm các ngân hàng để xảy ra các vi phạm đã cảnh báo, ngân hàng chậm khắc phục sai phạm. Bên cạnh đó, sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế về hoạt động thanh tra theo hướng chặt chẽ và phù hợp chuẩn mực quốc tế.
“Giải được nút thắt… nhà đầu tư yên tâm trở lại”
Điều này có gây nên hệ luỵ đến hệ thống an ninh ngân hàng nói riêng, hệ thống tiền tệ nói chung?
TS Lê Đăng Doanh: Thanh tra để chấn chỉnh, phòng ngừa trước các diễn biến mà chúng ta đều biết, như có lượng lớn tiền bị chôn vào bất động sản. Việc giải quyết hệ lụy của trái phiếu bất động sản có sự tham gia của nhiều bên, không chỉ có một mình ngân hàng. Các biện pháp như vậy là đúng đắn và chúng ta phải tiếp tục theo dõi diễn biến.
Ông Vũ Vinh Phú: Khi đã giải quyết được nút thắt thì sự yên tâm của nhà đầu tư sẽ trở lại. Chủ trương của Chính phủ là củng cố lại niềm tin, không phải siết chặt một cách cực đoan. Do đó, không có gì đáng lo ngại với các nhà đầu tư chân chính và doanh nghiệp phát hành trái phiếu nghiêm túc và đúng quy định pháp luật.
Một số ý kiến cho rằng, nếu siết chặt trái phiếu bất động sản từ đầu sẽ không gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường bất động sản, doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại? Trách nhiệm thuộc về ai?
TS Lê Đăng Doanh: Việc đầu tư vào bất động sản qua nhiều kênh, kể cả giá đất, đầu tư trực tiếp, nhưng cũng có những kênh gián tiếp như đầu tư vào kết cấu hạ tầng dẫn đến nâng giá nhà đất. Chúng ta cần xem xét, đánh giá thận trọng.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 08/2023/NĐ-CP về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp như: cho phép sử dụng các tài sản hợp pháp thanh toán gốc và lãi trái phiếu, gia hạn thêm thời gian đối với trái phiếu tối đa 2 năm...Vai trò nói riêng của ngân hàng và điều tiết nói chung của Ngân hàng Nhà nước là gì?
TS Lê Đăng Doanh: Từ trước đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã cho các “room” tín dụng, tức là một khối lượng tín dụng nhất định để kiểm soát số tiền lưu hành, từ đó kiểm soát luôn cả lạm phát.
Việc Ngân hàng Silicon Valley Bank (SVB) phá sản, dẫn đến phản ứng dây chuyền, nhưng rất may tác động trực tiếp đến Việt Nam không lớn. Tuy nhiên, ảnh hưởng gián tiếp như biến động tỷ giá, biến động của các ngân hàng, thì phải theo dõi một cách chặt chẽ.
|
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú. |
Ông Vũ Vinh Phú: Nghị định 08 của Chính phủ chủ yếu là định hướng những giải pháp để tháo gỡ những vấn đề cần giải quyết sớm. Dĩ nhiên, quá trình rà soát kiểm tra nếu có vấn đề cũng phải xử lý, kể cả trách nhiệm liên đới của một số ngân hàng. Chúng ta tin tưởng thị trường trái phiếu sẽ trở lại hoạt động lành mạnh hơn, góp phần huy động vốn để phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2023 và xa hơn nữa.
Ngân hàng đừng chạy theo lợi ích nhóm!
Cùng với việc thanh tra, Ngân hàng Nhà nước đưa ra quy định tổ chức tín dụng mua, bán trái phiếu doanh nghiệp chỉ được mua khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, không được mua trái phiếu doanh nghiệp phát hành có mục đích cơ cấu lại các khoản nợ của doanh nghiệp, tăng quy mô vốn, góp vốn… Điều này được hiểu rõ hơn như thế nào?
TS Lê Đăng Doanh: Ngân hàng Nhà nước muốn các ngân hàng, các tổ chức tín dụng đừng chạy theo “lợi ích nhóm”, đổ tiền vào các lĩnh vực, các doanh nghiệp không được an toàn. Đây là các bước phòng xa một cách cần thiết.
Theo tôi, giải pháp này rất là đáng hoan nghênh và ủng hộ.
Xin cảm ơn TS Lê Đăng Doanh và chuyên gia Vũ Vinh Phú!
11 ngân hàng bị thanh tra về hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp
Theo báo cáo tài chính, tính tới cuối năm 2022, 17 ngân hàng thương mại cổ phần đang nắm giữ gần 190.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp.
5 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp nhiều nhất, gồm MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB…
Trong top 3 ngân hàng nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất hệ thống, VPBank có mức tăng trưởng đầu tư trái phiếu doanh nghiệp lớn nhất năm 2022 (tăng 18%).
Về dư nợ đầu tư trái phiếu doanh nghiệp năm 2022, có 3/17 ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước là VietinBank, BIDV, Vietcombank. Tuy vậy, tổng dư nợ trái phiếu doanh nghiệp nắm giữ tại các ngân hàng này chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ tín dụng.
Theo dự đoán, nhiều khả năng 11 ngân hàng bị thanh tra trái phiếu doanh nghiệp nằm trong nhóm các ngân hàng: MB, Techcombank, VPBank, TPBank, SHB, BaoViet Bank, BIDV, HDBank, VietinBank, Bac A Bank, OCB, MSB, NamABank, VIB, KienLongBank, SeABank.
>>> Mời độc giả xem thêm video Thủ tướng lập Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp