Trước sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kỹ thuật và trang bị, xe tăng - thiết giáp (TTG) của nhiều nước trên thế giới không ngừng được nghiên cứu, chế tạo ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, việc nghiên cứu nâng cấp, cải tiến, hiện đại hóa các loại xe hiện có cũng được đẩy mạnh, nhằm nâng cao tính năng, kỹ chiến thuật của các loại xe hiện có. Đó cũng là yêu cầu khách quan, đáp ứng yêu cầu chiến tranh hiện đại, đối phương sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Đối với quân đội ta, xe TTG gồm nhiều chủng loại, phần lớn thuộc thế hệ thứ nhất và thứ hai, khả năng thích ứng trong điều kiện tác chiến mới còn hạn chế. Cùng với các biện pháp bảo quản, bảo dưỡng, giữ tốt, dùng bền, an toàn, tiết kiệm xe TTG phục vụ nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, thời gian qua các cơ quan nghiên cứu kỹ thuật, đơn vị TTG đang đẩy mạnh nâng cấp, cải tiến phương tiện để đảm bảo yêu cầu bảo vệ tổ quốc.
Nhiều chương trình nâng cấp, cải tiến xe TTG đang được quan tâm, đầu tư, triển khai thực hiện như: Chương trình nâng cấp, cải tiến xe tăng T-54B/T-55, cải tiến đồng bộ xe chiến đấu bộ binh BMP-1, cải tiến xe thiết giáp trở quân BRT-152, nâng cấp cải tiến xe thiết giáp M113, V100…
|
Xe tăng T-54B/T-55, xe bọc thép BMP-1, BTR-152... đều thuộc thế hệ cũ cần có nâng cấp, cải tiến phù hợp với chiến tranh hiện đại. |
Việc nâng cấp, cải tiến xe tăng T-54B/T-55 đã từng bước khẳng định được tính khả thi, khả năng phối hợp quốc tế, nâng cao năng lực tiếp thu công nghệ nâng cấp, cải tiến của đội ngũ cán bộ chuyên ngành.
Xe thiết giáp chở quân BRT-152 sau khi nâng cấp, cải tiến đã khắc phục những nhược điểm cơ bản của xe nguyên thủy, nâng cao tính năng kỹ chiến thuật, khả năng sẵn sàng chiến đấu, cơ động trong tác chiến, nhẹ nhàng khi vận hành và an toàn cho bộ binh trên xe.
Với xe M113 thu hồi sau chiến tranh, việc nâng cấp, cải tiến cũng đã tạo khả năng vượt trội về tính năng, kỹ chiến thuật… Bên cạnh đó, công tác khôi phục đồng bộ hệ thống nạp đạn tự động, hệ thống cứu hỏa… trên một số loại xe TTG đã giúp tăng hạn sử dụng và hệ số kỹ thuật.
Kết quả nâng cấp, cải tiến xe TTG không chỉ nâng cao tính năng kỹ chiến thuật của các trang bị mà còn rèn luyện, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, khả năng của đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành, tạo ra khả năng nghiên cứu làm chủ trang bị, tăng cường khả năng tiếp cận với những sản phẩm mới, có hàm lượng khoa học công nghệ cao trong lĩnh vực khoa học quân sự; nâng cao năng lực tiếp nhận, vận hành dây chuyền chuyển giao công nghệ của các cơ sở bảo đảm kỹ thuật, trang bị…
Nhiều công nghệ mới trong cải tiến, hiện đại hóa được áp dụng như: Công nghệ khoan cắt, hàn giáp thép xe tăng, giáp nhôm xe thiết giáp, công nghệ làm sạch bề mặt và sơn truyền thống trước đây được thay thế bằng những công nghệ mới hiệu quả, thân thiện với môi trường, cải thiện điều kiện làm việc của công nhân…
Các chương trình nâng cấp, cải tiến trang bị, xe TTG trên thế giới thời gian qua tập trung chủ yếu vào nâng cao khả năng cơ động, tăng cường sức mạnh hỏa lực, cải tiến hệ thống điều khiển hỏa lực, liên lạc và khả năng tự bảo vệ, ngụy trang…
Đối với quân đội ta, việc nâng cấp, cải tiến TTG tuy đã đạt được nhiều kết quả, nhưng thực tiễn đòi hỏi ngành kỹ thuật phải nỗ lực hơn trong nghiên cứu, nâng cấp, cải tiến. Yêu cầu đặt ra là cùng với nâng cao tính năng, kỹ chiến thuật, còn phải lựa chọn phương án phù hợp với trình độ khoa học công nghệ và nền công nghiệp quốc phòng của đất nước; các công nghệ đó phải hiện đại, không lạc hậu với khu vực và thế giới.
|
Phương thức nâng cấp xe tăng - thiết giáp có thể thông qua nhập dây chuyền công nghệ nước ngoài. |
Phương thức nâng cấp, cải tiến, hiện đại hóa TTG có thể được tiến hành thông qua nhập dây chuyền công nghệ của nước ngoài, sau đó cải tiến hàng loạt từng loại xe nhất định. Quá trình chuyển giao từng bước làm chủ công nghệ nâng cấp, cải tiến đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật trước mắt và lâu dài…
Theo các cán bộ kỹ thuật chuyên ngành, trong điều kiện, khả năng đầu tư, hiện đại hóa xe TTG của ta phải tiến hành lâu dài. Vì vậy việc nâng cấp, cải tiến là phương pháp lựa chọn quan trọng để tăng cường khả năng SSCĐ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Vấn đề mấu chốt là lựa chọn phương thức tối ưu trong việc nâng cấp, cải tiến từng loại xe.
Tăng – thiết giáp là xe chiến đấu, đòi hỏi kỹ thuật cao, cần tận dụng kinh nghiệm của nước ngoài cải tiến mẫu, chuyển giao công nghệ, đồng thời chú trọng hướng đồng bộ khí tài, trang bị trong biên chế và sản xuất trong nước…
Việc nâng cấp, cải tiến xe TTG còn tạo thuận lợi cho đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật có điều kiện nghiên cứu, đóng góp trí tuệ, khả năng của mình. Để thực hiện hiệu quả, cần có sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ khoa học kỹ thuật chuyên ngành toàn quân với các cơ quan chức năng, đơn vị, nhà trường quân đội…
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: