Sau Chiến tranh Thế giới II, các nước lớn trên thế giới đẩy mạnh việc phát triển các loại máy bay đánh chặn có tốc độ siêu âm. Trong số các máy bay chiến đấu siêu âm được phát triển trong giai đoạn này, tiêm kích đánh chặn MiG-21 của Liên Xô là một tên tuổi nổi bật.
Tuy nhiên, có một quốc gia nhỏ ở phương Tây là Thụy Điển cũng chế tạo một mẫu tiêm kích đánh chặn siêu âm không hề kém cạnh so với MiG-21 đó là Saab-35 Draken.
MiG-21 là một tiêm kích một động cơ với thiết kế cánh tam giác, cửa hút không khí của động cơ nằm ngay trước mũi máy bay. Nhờ thiết kế nhỏ gọn nên MiG-21 có khả năng cơ động rất cao, tiêm kích này tỏ ra xuất sắc trong nhiệm vụ bảo vệ không phận.
Trong khi đó, Saab-35 cũng là một máy bay phản lực một động cơ, nhưng cửa hút không khí bố trí ở hai bên thân máy bay. Tiêm kích này cũng có thiết kế cánh tam giác nhưng phần rìa cánh phía trước được kéo dài dọc theo ống hút không khí của động cơ.
|
Thiết kế khí động học của Saab-35 hơi bất thường với phần rìa cánh kéo dài đến gần hết buồng lái. |
Phi công Jyrki Laukkanenom, người đã có cơ hội lái cả hai loại máy bay này đã có những chia sẽ về cảm nhận của ông đối với MiG-21 và Saab-35, hai chiến đấu cơ đại diện cho hai đường lối thiết kế và phát triển quốc phòng rất khác nhau.
Ông Laukkanenom cho rằng, việc so sánh 2 loại máy bay này với nhau là không thực sự chính xác vì quan điểm thiết kế của 2 máy bay này tương đối khác nhau. Saab-35 có vai trò tương tự máy bay đánh chặn Su-9 hay Su-15.
Saab-35 được thiết kế với khả năng bay lên cao rất nhanh nhằm nhanh chóng chiếm vị trí thuận lợi để công kích mục tiêu bằng tên lửa không đối không. Với hệ thống radar và máy ngắm tốt, Saab-35 là một máy bay xuất sắc trong nhiệm vụ đánh chặn máy bay ném bom của đối phương trong mọi điều kiện thời tiết.
Tuy nhiên, Draken thiếu khả năng cơ động trong phạm vi hẹp, thiết kế khí động học với cánh tam giác kéo dài đến gần mũi máy bay khiến nó dễ mất tốc độ khi thực hiện các động tác rẽ đột ngột. Ngoài ra, khung máy bay chỉ có khả năng chịu quá tải ở mức dưới 7G.
|
Hiệu suất chiến đấu của MiG-21 đã được chứng minh trong Chiến tranh Việt Nam. |
Trong khi đó, MiG-21 là một tiêm kích rất nhanh nhẹn, đặc biệt là từ biến thể MiG-21F-13 trở đi. MiG-21 xuất sắc trong các hoạt động không chiến quần vòng ở cự ly hẹp. Khung máy bay có thể chịu quá tải hơn 8G.
Vị phi công kỳ cựu cho biết thêm, về tổng quan, thiết kế MiG-21 khá tốt, nhưng ghế ngồi của phi công bố trí nghiêng 25 độ về phía sau là hơi bất thường. MiG-21 phù hợp với nhiệm vụ chống lại đội hình tiêm kích hộ tống máy bay ném bom của đối phương.
Ngoài ra, do cửa hút không khí của MiG-21 bố trí ngay mũi máy bay nên chỉ có thể lắp được loại radar nhỏ với công suất khá hạn chế. Radar của MiG-21 chỉ có thể phát hiện được mục tiêu ở cự khoảng 20 km.
Đánh giá về khả năng cất hạ cánh, ông Laukkanenom cho biết, MiG-21 và Saab-35 đều là những máy bay được thiết kế với đường băng cất, hạ cánh khá ngắn. Nhưng Saab-35 được trang bị động cơ mạnh hơn so với MiG-21.
Động cơ phản lực Volvo Flygmotor RM 6C lắp trên Saab-35 cung cấp lực đẩy thô 56,5 kN, lực đẩy có đốt sau 78,4 kN. Còn động cơ Tumansky R25-300 có lực đẩy thô 40,21 kN, lực đẩy có đốt sau 69,62 kN.
Do có động cơ mạnh hơn, nên khả năng cất cánh của Saab-35 tốt hơn, tốc độ tối đa khi hoạt động cũng nhỉnh hơn một chút so với MiG-21. Draken có thể cất cánh với quãng đường chạy đà chỉ 800 m. Khi hạ cánh, Saab-35 có một phanh không khí giúp giảm tốc độ máy bay một cách nhanh chóng.
Với MiG-21 cần quãng đường chạy đà cất cất khoảng 2.000 m, sử dụng một chiếc dù hãm khi hạ cánh ở tốc độ 260 km/h.
Tiêm kích MiG-21 và Saab-35 đều có những điểm mạnh, yếu riêng. Hai loại máy bay này phát huy tốt vai trò theo quan điểm và đường lối quốc phòng riêng của mỗi nước.