PASKAL - “học trò” Navy SEAL ở Đông Nam Á

Google News

(Kiến Thức) - PASKAL là lực lượng chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ của Hải quân Hoàng gia Malaysia có sự hỗ trợ đào tạo của đặc nhiệm Navy SEAL (Mỹ).

Năm 1975, Hải quân Hoàng gia Malaysia nhận thấy sự cần thiết của một lực lượng chiến đấu tinh nhuệ nhằm bảo vệ các hải cảng quan trọng, nên quyết định thành lập đơn vị đặc biệt. Năm 1977, 30 cán bộ ưu tú của Hải quân Hoàng gia Malaysia đã được gửi đến Indonesia để đào tạo bởi lực lượng đặc biệt KOPASKA.

Đến năm 1979, 69 nhân viên ưu tú khác tiếp tục được gửi sang Indonesia để đào tạo, 68 người tốt nghiệp, một người bị loại do gặp bị gãy chân trong quá trình huấn luyện. Tháng 1/1981, lực lượng đặc biệt của Hải quân Hoàng gia Malaysia chính thức được thành lập với tên gọi PASKAL.

Trung đoàn đầu tiên của PASKAL còn được gửi đi đào tạo các hoạt động chiến đấu đặc biệt tại lực lượng Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh và lực lượng đặc nhiệm Navy SEAL (Mỹ). Một vài sĩ quan cao cấp sau đó được tiếp tục gửi đi đào tạo đặc biệt tại các căn cứ Navy SEAL trên nước Mỹ. Tại đây họ được học về cách xây dựng lực lượng đặc biệt hải quân và năng lực xử lý các thách thức trong tương lai.
Những người lính đặc biệt tinh nhuệ của PASKAL.


Nhiệm vụ

Nhiệm vụ của PASKAL là thực hiện các hoạt động tấn công độc lập bằng đường không, đường biển trong các khu vực do đối phương kiểm soát. 

Tiến hành các hoạt động chống cướp biển, đảm bảo sự an toàn cho khoảng 30 giàn khoan trên biển của Malaysia và các tàu chở dầu khỏi cướp biển.

Thực hiện các hoạt động trinh sát, thâm nhập sâu tiến hành các hoạt động phá hủy dưới nước, đột kích các căn cứ hải quân đối phương. Tiến hành các hoạt động chiến thuật xâm nhập đặc biệt sau lưng kẻ thù, chống khủng bố, bảo vệ các nhân vật quan trọng, ám sát và giải cứu con tin.

Yêu cầu về con người và đào tạo

Do đặc điểm là lực lượng chiến đấu đặc biệt nên yêu cầu về con người của lực lượng PASKAL là rất cao. Tinh thần dũng cảm, thể chất khỏe mạnh, nhanh nhẹn và dưới 30 tuổi  là những yếu tố quan trọng để trở thành thành viên của PASKAL. 

Mỗi học viên khi được gia nhập PASKAL sẽ trải qua 3 tháng đào tạo cơ bản tại căn cứ hải quân tại Lumut. Sau đó họ được gửi đến Trung tân huấn luyện tác chiến đặc biệt (SWTC) tại căn cứ Sungai Udang (bán đảo Malacca) để trải qua các khóa đào tạo về kỹ năng nhảy dù.

Những người vượt qua được quá trình đào tạo tại đây sẽ tiếp tục được gửi đến Trung tâm đào đạo nâng cao. Và tại đậy họ được đào tạo một cách chuyên sâu về các kỹ năng như: Cứu thương, thông tin liên lạc, vật liệu nổ, sửa chữa cơ điện. 
Binh lính PASKAL trong hoạt động huấn luyện.


Họ cũng phải vượt qua quá trình kiểm tra thể chất được thực hiện 3 tháng/lần gồm:

- Chạy quãng đường 7,8km  dưới 24 phút

- Bơi 1,5km không quá 25 phút trong bể bơi

- Bơi trên biển 6,4km với hành trang đầy đủ cho nhiệm vụ dưới 120 phút

- Nhảy dù bất kể ngày đêm tại các địa điểm là đồi núi, tòa nhà cao tầng, trên mặt biển

- Bơi tự do 1,5km dưới 31 phút

- Khả năng sống sót trong nước trong điều kiện chân tay bị trói

- Lặn không cần máy thở ở độ sâu tối thiểu là 7m.

PAKSAL có bao nhiêu đơn vị?

Trong cơ cấu tổ chức của lực lượng PASKAL chia thành nhiều đơn vị, mỗi đơn vị có 4 trung đội được phân chia gồm:

- Đội Alpha: lực lượng hoạt động đặc biệt linh hoạt, chủ yếu thực hiện các nhiệm vụ chống khủng bố hàng hải, cứu hộ các tàu, bảo vệ các giàn khoan cũng như các khu vực đô thị.

- Đội Bravo: lực lượng thực hiện các hoạt động lặn dưới biển, đổ bộ đường không, các hoạt động xâm nhập lặng lẽ vào bên trong lãnh thổ đối phương. Nhiệm vụ của đội này chủ yếu thu thập thông tin tình báo cho các đội tấn công.

- Đội Charlie: lực lượng hỗ trợ cho các hoạt động đặc biệt từ phía sau lãnh thổ đối phương.

- Đội Delta: lực  lượng chiếm ưu thế trên chiến trường trong các hoạt động đổ bộ của các đội PASKAL với các kỹ năng hoạt động đặc biệt trên mặt đất và bắn tỉa.

Về cơ bản, các đội đều có các chuyên gia hỗn hợp để điều chỉnh các yêu cầu cụ thể của từng nhiệm vụ, mỗi đội đều kèm theo một nhóm chiến tranh tình báo để thực hiện các hoạt động chiến thuật chống hoạt động tình báo đối phương và tâm lý chiến.
PASKAL trang bị vũ khí khí tài tiên tiến nhất quân đội Malaysia.


Vũ khí trang bị

PASKAL được trang bị nhiều trang thiết bị vũ khí rất hiện đại nhằm phù hợp với các hoạt động tác chiến đặc biệt. Bên cạnh đó, PASKAL còn nhận được nguồn tài trợ bí mật từ các Tập đoàn dầu mỏ nên trang bị của họ thuộc loại tiên tiến nhất trong quân đội Malaysia.

Qua những bức ảnh chụp lực lượng PASKAL cho thấy họ được trang bị như: thiết bị ngắm ảnh nhiệt; mũ bảo hiểm Pro-TEC trọng lượng nhẹ; radar chiến thuật; súng trường tiến công thế hệ mới AK-102, M16A1, FNC; súng trường bắn tỉa; súng phóng lựu…

PASKAL chịu nhiều ảnh hưởng về phương châm hoạt động và đường lối tác chiến theo kiểu Navy SEAL của Hải quân Mỹ. Đồng phục, phương pháp ngụy trang của PASKAL hoàn toàn học theo Navy SEAL của Mỹ. Hàng  năm lực lượng này thường xuyên thực hiện các bài diễn tập, gửi nhân viên đi đào tạo tại lực lượng đặc nhiệm SAS của Anh, Navy SEAL của Mỹ.

PASKAL được biết đến với khá nhiều chiến công trong việc chống cướp biển Somalia và giải cứu con tin. Tháng 12/2008, PASKAL giải cứu thành công một tàu hàng Trung Quốc bị cướp biển Somalia tấn công trên vịnh Aden.

Ngày 1/1/2009 PASKAL giải vây thành công cho một tàu chở dầu của Ấn Độ bị cướp biển Somalia truy sát. Ngày 20/1/2011 họ giải cứu thành công một tàu chở hóa chất của Malaysia bị cướp biển Somalia tấn công trên vịnh Aden.

ĐANG ĐỌC NHIỀU: 
TIN LIÊN QUAN:
Phan Nguyễn

Bình luận(0)