Với các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga (mà có thể khiến ngành công nghiệp quốc phòng Nga lâm vào cảnh khốn đốn bởi sự thiếu hụt các trang thiết bị nhập khẩu từ Ukraine), nhiều chuyên gia cho rằng, cái giá phải trả của Nga có thể thấp hơn so với “sự hy sinh” của
Ukraine.
Theo các nguồn tin quân sự Nga, đó là bởi vì từ đầu năm ngoái, điện Kremlin đã chuyển tiền ồ ạt cho các công ty sản xuất quốc phòng Ukraine để họ nhanh chóng gửi hàng sang cho phía Nga. Các nguồn tin này cho hay, Moscow hầu như tập trung vào một số công ty nước bạn chuyên sản xuất các loại động cơ cho máy bay, tàu hải quân và tàu ngầm; các linh phụ kiện điện tử và hệ thống kiểm soát dành cho đạn tự dẫn.
|
Nhiều mẫu trực thăng Nga hiện tại dùng động cơ của Ukraine.
|
Vaycheslav Boguslayev - Chủ tịch Hội đồng quản trị của Motor Sich (nhà cung cấp chính cho các loại trực thăng Nga), đã xác nhận kế hoạch thành lập “trung tâm kỹ thuật chung” với những nhà sản xuất động cơ máy bay của Nga. Motor Sich đã không đưa ra bất cứ bình luận chi tiết nào về mục tiêu cũng như cách thức hoạt động của công ty liên doanh mới này. Theo một tuyên bố gần đây, Motor Sich cho hay, 51% cổ phần của công ty mới sẽ thuộc về phía Nga, số còn lại là của Motor Sich.
“Những sự kiện gần đây (sự bất ổn ở Ukraine) không ảnh hưởng tới việc thực hiện nghĩa vụ hợp đồng giữa đôi bên. Thêm vào đó, thông các các loại thuế (mà Motor Sich trả), chúng tôi còn là nguồn thu để bổ sung vào quốc khố gần như trống rỗng ở Kiev. Không ai ngăn cản chúng tôi làm việc cả. Và tôi có thể đảm bảo với các bạn rằng, tất cả mọi việc rồi sẽ qua. Mọi thứ sẽ ổn định”, trích dẫn tuyên bố của Chủ tịch Motor Sich Boguslayev.
Theo nhà phân tích Mỹ Gary Busch: “Nga đang hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn cung từ Ukraine. Nước này chiếm tới 87% số lượng các loại hàng hóa quốc phòng mà Nga nhập về. Việc sáp nhập bán đảo Crimea là nguyên nhân khiến hoạt động cung cấp giữa đôi bên bị ngưng trệ lại. Nguồn cung cấp các trang thiết bị quân sự từ Nga có tầm quan trọng đối với không chỉ riêng quân đội mà còn cả hoạt động xuất khẩu vũ khí quân sự của nước này. Có lẽ ví dụ tốt nhất cho việc này là công ty Motor Sich, nhà sản xuất duy nhất các động cơ của dòng máy bay trực thăng Mi-8 và Mi-24”.
|
Động cơ hàng không của nhà sản xuất Motor Sich chủ yếu xuất khẩu cho Quân đội Nga trong những năm qua.
|
Ngày 14/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo tại một cuộc họp rằng, Nga sẽ tìm cách khắc phục “sự thiếu hụt” các trang thiết bị quân sự do phía Ukraine trì hoãn giao hàng.
“Chúng ta có những thách thức mới cần giải quyết bây giờ, đó là tìm ra các phương án để thay thế các hàng nhập khẩu. Tôi đã yêu cầu chính phủ từ 2 hay 3 tuần trước làm một bản phân tích tổng thể (để mọi người có mặt hôm nay có thể xem xet) về mọi thứ liên quan tới lĩnh vực này, bao gồm tính toán nguồn vốn bổ sung cần thiết, thời gian để giải quyết các vấn đề mới phát sinh này. Đây là hướng đi đúng đắn để từng bước chúng ta sản xuất các mặt hàng quân sự tại ngay trên mảnh đất quê hương mình”.
Tuy nhiên, “khoản vốn bổ sung” mà ông Putin vẫn chưa được tính toán hay cân đối trong ngân sách. Cũng trong cuộc họp hồi cuối tuần trước đó, Tổng thống Putin đã đề cập rằng: “20 nghìn tỷ Rúp (hơn 576 tỷ USD) đã được phân bổ để hiện đại hóa lực lượng vũ trang. 3 nghìn tỷ Rúp (tương đương 83 tỷ USD) cũng đang được dùng để hiện đại hóa các công ty quốc phòng”.
Trong khi đó, sự ngưng trệ trong việc giao các trang thiết bị quân sự cho Nga (gây nên bởi các lệnh trừng phạt từ Mỹ) đã khiến tình hình kinh doanh của Motor Sich sa sút đi. Theo bảo cáo mới nhất từ công ty này, trong khoảng 9 tháng (được tính tới thời điểm 30/9/2013), doanh số bán hàng của họ tương đương 707 triệu USD. Lợi nhuận ròng là 125 triệu USD. Công ty trong giai đoạn này cũng chưa đóng thuế.
Theo các tài liệu của công ty, 92% sản phẩm của họ đều là động cơ máy bay và các linh phụ kiện của chúng. Và 93% nguồn lợi của công ty là từ thị trường xuất khẩu. Nga là bạn hàng lớn nhất của họ, nhưng Motor Sich không công bố tỷ lệ hay các con số bán hàng chính xác. Các quốc gia khác thuộc khối CIS như Kazakhstan, Belarus và Uzbekistan cũng mua động cơ của họ. Riêng việc xuất các mặt hàng sang Nga đã giúp công ty thu được khoản lợi nhuận chiếm tới 60% tổng doanh thu của nó.
Một công bố hồi tuần trước do Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Nga Yury Slyusar chỉ ra rằng, nước này yêu cầu khoảng 550 các động cơ máy bay trực thăng mới mỗi năm. Và trong vòng 2 năm, 350 động cơ trong số đó đã được sản xuất tại các nhà máy của Nga. Số lượng thiếu hụt sẽ được một doanh nghiệp liên doanh (giữa Nga và Motor Sich) đảm trách. “Chúng tôi có một loạt các kế hoạch chung với Motor Sich. Do vậy, chúng tôi hi vọng, những kế hoạch đó sẽ được thực hiện”, Bộ trưởng Slyusar nói.
|
Việc Ukraine cấm vận quốc phòng với Nga, đầu tiên có thể gây ảnh hưởng không hề nhỏ tới đơn hàng xuất khẩu trực thăng Nga.
|
Còn Phát ngôn viên của công ty Russian Helicopters – một công ty con của Tập đoàn Quốc phòng quốc doanh Công nghệ Nga (Rostek) cho biết, họ chưa định thảo luận về những phương án mới để thay thế cho trang thiết bị nhập khẩu từ Ukraine.
Một nghiên cứu do công ty tư vấn Rusmet, được công bố hôm 8/5, cho biết, việc thay thế động cơ của Motor Sich là vấn đề cấp bách nhất hiện nay đối với Nga.
“Nhà sản xuất ra loại sản phẩm này của Nga là OKB Klimov chưa thể hoàn toàn thay thế được, ít nhất cũng phải tới cuối 2015 hoặc đầu 2016. Lúc này đây, như Motor Sich từng lưu ý, các động cơ do doanh nghiệp Nga chế tạo có giá thành cao hơn và ít được tin cậy hơn so với sản phẩm do doanh nghiệp Ukraine làm ra”.
Igor Korotchenko, Tổng Biên tập tạp chí National Defense, cho hay kế hoạch thay thế hàng nhập khẩu đối với dòng động cơ máy bay trực thăng có khả năng mất tới hai năm rưỡi mới xong.
Còn phóng viên quân sự Alexander Goltz thừa nhận rằng, phạm vi của kế hoạch thay thế này là rất lớn. Nhà báo này tỏ ra nghi ngờ về việc liệu kế hoạch này có được thực hiện nhanh chóng như đề xuất hiện giờ không. Tuy nhiên, phóng viên này cũng tính tới các tác động có thể của nó tới khả năng tác chiến của quân đội Nga.
Nhằm trấn an phía đối tác Nga, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Sản xuất máy bay trực thăng của Ukraine, ông Alexander Kalachev tỏ ra lạc quan: “Tôi tin rằng, khả năng Ukraine ngừng giao các động cơ máy bay trực thăng cho Nga là bằng 0”.