Nga giữ lại MiG 1.44 để đề phòng Su T-50 thất bại?

Google News

(Kiến Thức) - Việc giữ lại mẫu thử nghiệm duy nhất MiG 1.44 được các chuyên gia cho rằng đây là phương án dự phòng của Nga nếu Sukhoi T-50 thất bại.

Gần đây, MiG thông báo chính thức về việc mẫu chế thử duy nhất của máy bay tiêm kích thế hệ 5 MiG 1.44 đã được đưa vào cất giữ và niêm cất trong kho ở Trung tâm Nghiên cứu bay (LII) mang tên Gromov vào tháng 12 năm ngoái. Tính đến thời điểm này thì mẫu máy bay này chỉ thực hiện có 2 lần bay thử duy nhất, cả hai đều vào năm 2000, và sau đó nó chỉ được sử dụng như một mẫu thử cho việc hỗ trợ sự phát triển của chương trình Su T-50.
Quyết định này của Bộ quốc phòng Nga được cho là có một số ý nghĩa nhất định khi muốn niêm cất lâu dài đối với chiếc máy bay này, thay vì hủy bỏ và tái chế các bộ phận của MiG1.44. Đây cũng không phải lần đầu tiên Nga thực hiện việc như thế này và lần gần đây nhất là đối với nguyên mẫu đầu tiên của siêu máy bay ném bom siêu thanh có khả năng mang vũ khí hạt nhân của Liên Xô Tupolev Tu-160.
 Mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình MiG 1.44 với 2 cửa hút khí động cơ ở dưới bụng (khá giống với tiêm kích Typhoon) và dùng 2 cánh mũi lớn.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các nhà phân tích hàng không vũ trụ của Nga: "Đây là một hành động hoàn toàn kỳ lạ của Bộ quốc phòng Nga” vì nước này muốn giữ lại nguyên mẫu của Tu-160 là để nhằm phát triển một mẫu máy bay ném bom thế hệ mới, điển hình là dự án PAK-DA. Còn đối với MiG 1.44 thì nó không thể dùng để hỗ trợ cho một chương trình phát triển máy bay chiến đấu hạng nhẹ được.
Có ý kiến cho rằng việc giữ lại MiG 1.44 còn nguyên vẹn bây giờ vì Bộ quốc phòng Nga và Không quân Nga (VVS) muốn đảm bảo MiG có thể dựa trên MiG 1.44 phát triển mẫu máy bay thế hệ thứ 5 mới, trong trường hợp dự án phát triển Su T-50 thất bại.
Đại diện RSK MiG cũng từ chối bình luận về kế hoạch sử dụng nguyên mẫu MiG 1.44 trong tương lai, cũng như số phận của 4 chiếc loại này vẫn chưa được hoàn thành đang được đặt tại nhà máy lắp ráp máy bay Sokol ở Nizhni Novgorod.
 Tiêm kích tàng hình MiG-1.44 có khả năng mang nhiều quả tên lửa không đối không tầm ngắn tới tầm xa, trang bị radar xung doppler.
Dự án máy bay tiêm kích đa năng MiG-1.44 (ban đầu gọi chung là MFI) được khởi động trong những năm 1980, và đến năm 1999 đã có mẫu bay được mang ký hiệu MiG 1.44. Chiếc máy bay này có nhiệm vụ chống lại F-22 Raptor của Mỹ. Năm 2000, mẫu MiG 1.44 đã hai lần cất cánh. Sau đó công trình này bị dừng lại, và đến năm 2002 đã có tuyên bố về dự án Sukhoi PAK FA T-50 do hang Sukhoi thực hiện.
MiG 1.44 dài 22,83m, sải cánh 17,03m, cao 5,72m, trọng lượng cất cánh tối đa 35 tấn. Tiêm kích được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực Saturn AL-41F đạt tốc độ 2.760km/h, tầm bay 4.500km.
Trà Khánh

Bình luận(0)