Tiêm kích tàng hình tối mật MiG 1.44 thoát kiếp sắt vụn

Google News

(Kiến Thức) - “MiG 1.44 không bay, mà được cất giữ chu đáo trong nhà để máy bay, và không ai có ý định phá dỡ nó”, hãng MiG cho biết.

Mẫu thử nghiệm duy nhất mẫu tiêm kích thế hệ thứ 5 MiG 1.44 được niêm cất tại Viện nghiên cứu bay mang tên Gromov thay vì phá dỡ lấy sắt vụn. Đây là thông tin mà Tập đoàn chế tạo máy bay Nga MIG – “cha đẻ” mẫu MiG 1.44 thông báo cho Izvestia.
Vài tháng trước, các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đưa tin dựa vào các bức ảnh chụp từ vũ trụ, là nguyên mẫu máy bay tiêm kích MiG 1.44 được để ngoài trời tại “căn cứ bí mật”. Cơ quan báo chí của tập đoàn MiG thông báo là chiếc máy bay này sẽ không bị xử lý tận dụng.
 Mẫu thử nghiệm tiêm kích tàng hình MiG 1.44 thiết kế với 2 cửa hút không khí lớn dưới bụng, dùng kiểu cánh mũi.
“Máy bay được chế tạo vào những năm 1990 theo chương trình thử nghiệm thế hệ thứ 5 đang ở Zhukovskiy. Nó không bay, mà được cất giữ chu đáo trong nhà để máy bay, và không ai có ý định phá dỡ nó”, cơ quan báo chí MIG cho biết.
Như vậy, MiG 1.44 sẽ không lặp lại số phận của nhiều mẫu có một không hai của hàng không thời Liên Xô. Ví dụ, báo Izvestia được thông báo về quyết định của Bộ Quốc phòng tiêu hủy mẫu đầu tiên của lô thử nghiệm máy bay ném bom siêu thanh Tu-160.
Máy bay tiêm kích thế hệ thứ năm được bắt đầu nghiên cứu ở Mỹ và Liên Xô vào những năm 1970. Ở Mỹ, những chiếc đầu tiên đã được đưa vào trang bị năm 2001. Còn Nga có kế hoạch bắt đầu trang bị cho không quân máy bay tiêm kích thế hệ thứ 5 vào khoảng 2016-2017. Những máy bay này có thể bay ở tốc độ vượt âm mà không cần tăng tốc, có tính cơ động siêu hạng, khó phát hiện trên màn hình radar, có các hệ thống tự động hóa điều khiển và có thể tiêu diệt mục tiêu các loại với hiệu quả như nhau.
Dự án máy bay tiêm kích đa năng MFI được khởi động trong những năm 1980, và đến năm 1999 đã có mẫu bay được mang ký hiệu MiG 1.44. Chiếc máy bay này có nhiệm vụ chống lại F-22 Raptor của Mỹ. Năm 2000, mẫu MiG 1.44 đã hai lần cất cánh. Sau đó công trình này bị dừng lại, và đến năm 2002 đã có tuyên bố về dự án Sukhoi PAK FA T-50 do hang Sukhoi thực hiện.
 Theo thiết kế, MiG 1.44 trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực AL-41F cho tốc độ tối đa Mach 3, tầm bay đạt 4.000km.
Theo nguyên chỉ huy trang bị vũ khí của các Lực lượng vũ trang Thượng tướng Anatoliy Sitnov, máy bay tiêm kích T-50 đã đánh bại sáng tạo của hang MIG – MiG 1.44.
Tuy nhiên, nguyên tư lệnh Không quân Nga Đại tướng Vladimir Mikhailov cho rằng không thể so sánh hai chiếc tiêm kích này được, công nghệ điện tử đã có bước tiến vượt bậc sau 15 năm.
Mikhailov nhấn mạnh: “Không thể nói MiG 1.44 tốt hơn T-50. Mọi thứ đều là tương đối. T– 50 sử dụng các thành quả nghiên cứu mới nhất”.
Cũng theo ông này, quyết định niêm cất nguyên mẫu đầu tiên của tiêm kích thế hệ thứ 5 MiG 1.44 có thể cho thấy có các kế hoạch đối với dự án này.
Vladimir Mikhailov nhấn mạnh: “MiG 1.44 được đưa vào nhà để máy bay là để sau này dùng nó khi nghiên cứu những mẫu mới nào đó. Đó là mục đích duy nhất”.
Ở hãng “MiG” người ta từ chối thông báo chính thức bất cứ điều gì về các kế hoạch đối với mẫu thử nghiệm MiG 1.44, cũng như về 4chiếc máy bay chưa được hoàn thành mà theo dự đoán đang ở nhà máy chế tạo máy bay Sokol. Người ở hãng này vin cớ đa số thông tin về dự án này được bảo mật.
Đại diện hãng chế tạo máy bay Nga MiG thân cận với ban lãnh đạo tập đoàn tiết lộ cho báo Izvestia, chiếc MiG 1.44 duy nhất ở tình trạng khá tốt và nếu cần có thể cất cánh được.
 MiG 1.44 trang bị pháo 30mm và mang được tên lửa đối không tầm trung R-77, tầm xa K-37, tầm ngắn R-73 hoặc K-74, ngoài ra có thể mang bom cỡ nhỏ, tên lửa đối đất.
“Về mặt lý thuyết tình trạng của máy bay cho phép cất cánh, nhưng trên thực tế điều này đòi hỏi chuẩn bị nghiêm túc về mặt tổ chức và chi phí khổng lồ– máy bay đứng một chỗ lâu rồi”, ông này nói.
Ở Viện Gromov thông báo, là việc duy trì máy bay tiêu tốn một năm khoảng 8 triệu Rub. “Giá sơ bộ chỗ để trong nhà chứa máy bay là 800 nghìn Rub/tháng. Giá này bao gồm bảo vệ, duy trì nhiệt độ. Nhưng trong trường hợp ký hợp đồng dài hạn để cất gữ thì giá sẽ thấp hơn”.
Nguồn tin của báo Izvestia ở tập đoàn MiG thông báo, là trong tương lai có thể sẽ có việc chuyển giao mẫu máy bay tiêm kích này cho một bảo tàng hàng không nào đó.
Đại diện hãng nhận định: “Đây là chiếc máy bay mang tính thời đại, và tôi nghĩ nhiều nhà chế tạo hàng không sẽ đánh giá cao một quyết định như vậy”.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)