Tổng thống Nga mới đây đã ký sắc lệnh đưa Crimea và Sevastopol vào quân khu miền Nam. Việc ký văn kiện này trùng với việc các lực lượng NATO gia tăng hoạt động trên cánh phía Đông và tăng cụm quân Mỹ đối phó với khủng hoảng ở châu Âu. Nếu tính cả việc quân đội Ukraine điều những lực lượng lớn đến gần biên giới với Liên bang Nga, nguy cơ xung đột quân sự trong khu vực đang tăng lên.
Các chuyên gia quân sự Nga cho rằng, Moscow cần khẩn cấp gia tăng khả năng phòng thủ Crimea và từ vùng lãnh thổ này giải quyết nhiệm vụ vô hiệu hóa các nguy cơ quân sự tiềm tàng. Đồng thời có ý kiến cho rằng, cần triển khai ở đây vũ khí hạt nhân.
|
Tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân Kh-22 có thể đưa tới Crimea cùng máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3.
|
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính trị– xã hội Vladimir Evseev cho rằng, về mặt hình thức điều này không gặp cản trở gì. Trước năm 1966 ở vùng Sudak của Crimea đã từng có kho kỹ thuật hạt nhân. Tại đó đã từng cất giữ đầu đạn hạt nhân còn lại từ thời Liên Xô. Về cơ bản chúng được lắp cho đạn pháo, ngư lôi của tàu ngầm, tên lửa có cánh lắp trên máy bay và cả mìn hạt nhân cho công binh Liên Xô.
Năm 1994, Liên bang Nga, Mỹ và Ukraine đã ký hiệp ước về chuyển giao vũ khí hạt nhân cho Nga. Đến năm 1996, vũ khí này đã được đưa ra khỏi lãnh thổ Ukraine nhưng kho thì vẫn còn. Vì vậy, ông Evseev cho rằng riêng về mặt kỹ thuật, khôi phục kho đó không có gì khó khăn.
“Nhưng chúng ta hãy đưa ra câu hỏi: Hiện nay Nga cần cái đó đến mức nào? Xung đột có thể có ở đây, bởi vì các nước phương Tây không công nhận Crimea”, ông này nhận định.
Đồng thời Evseev nhấn mạnh, tiềm lực quân sự của Mỹ và NATO về vũ khí thông thường vượt trội hơn của Nga gấp nhiều lần. Và nếu như tiềm lực này tiếp tục được gia tăng gần biên giới của Nga, Moscow sẽ có đối sách khá quan trọng - vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được dùng từ lãnh thổ của bán đảo Crimea.
|
Ảnh minh họa.
|
Thượng tướng Leonid Ivashov - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục hợp tác quân sự quốc tế Bộ Quốc phòng cho rằng, việc gia tăng cơn giận giữ quân sự từ phía NATO và Mỹ, việc họ cố gắng tăng các cụm quân và vũ khí gần biên giới với Liên bang Nga có thể gây nên các hành động đáp trả của Moscow.
“Trên thực tế không có điều gì ngăn cản chúng ta, ví dụ, triển khai ở Crimea vũ khí hạt nhân chiến thuật có thể được sử dụng trên máy bay và tàu chiến. Điều này, tất nhiên, là biện pháp cuối cùng. Song các nhà phản đối phương Tây của chúng ta không được quên điều này. Bởi vì bây giờ Crimea là lãnh thổ Nga, mà trên lãnh thổ của mình thì chúng ta có thể triển khai vũ khí bất kỳ, nếu điều đó không mâu thuẫn với các hiệp ước quốc tế. Hiện không có bất kỳ hạn chế nào đối với việc triển khai vũ khí hạt nhân chiến thuật ở các khu vực của Nga”, Thượng tướng nói.