Lộ lý do Nga điều “đôi cánh ma thuật” Tu-22M3 tới Crimea?

Google News

(Kiến Thức) - Việc Nga đưa Tu-22M3 tới Crimea được cho là có thể biến hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đặt ở châu Âu “vô dụng hoàn toàn”. 

Theo truyền thông Nga, dự kiến tới năm 2016, Không quân Nga sẽ đưa trung đoàn máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3 tới căn cứ không quân Gvardeiskiy tới Crimea. Ngoài ra, Nga còn sẽ đưa các máy bay tiêm kích Su-27, máy bay săn ngầm Tu-142, Il-38, trực thăng săn ngầm Ka-27/29 tới đây.
Trong đó, việc Nga điều Tu-22M3 tới Crimea thu hút rất nhiều sự chú ý. Để hiểu rõ hơn ý nghĩa của việc này, trang mạng Regnum (trụ sở ở Nga) đã có bài phân tích cán cân quân sự trong khu vực và toàn châu Âu sẽ thay đổi thế nào sau khi bố trí Tu-22 ở Gvardeiskiy.
 Máy bay ném bom chiến lược cánh cụp cánh xòe Tu-22M3.
Dưới đây là nội dung bài phân tích:
Tu-22M3 mạnh cỡ nào?
Máy bay ném bom chiến lược Tu-22M3, (NATO định danh là Backfire) là biến thể nâng cấp của mẫu Tu-22M đưa vào sử dụng năm 1983.
Tu-22M3 được chế tạo theo nguyên lý máy bay đa chế độ bay và có cánh thay đổi được hình dáng - khi cất cánh thì cánh máy bay thực chất nằm ngang, còn ở tốc độ vượt âm cánh máy bay khép lại tạo góc 65 độ. Điều này cho phép sử dụng máy bay trong một dải tốc độ và độ cao rất rộng.
Tu-22M3 được trang bị 2 động cơ tuốc bin phản lực cánh quạt đẩy Kuznetsov NK-25 (lực đẩy 245,2kN/chiếc) cho tốc độ bay vượt âm Mach 1,88 (tức 2.000km/h), bán kính chiến đấu 2.410km, trần bay 13.300m.
Máy bay ném bom được trang bị hệ thống vô tuyến điện tử và dẫn đường rất mạnh. Hệ thống tự động trên máy bay tích cực tham gia vào việc điều khiển nó, khiến cho công việc của phi công được nhẹ nhàng đi nhiều.
Tên lửa hành trình siêu thanh Kh-22 trên giá treo ngoài cánh Tu-22M3.
Vũ khí cơ bản của Tu-22M3 là tên lửa hành trình có cánh Kh-22 có tầm bắn đến 500km và tốc độ đến 4.000km/h (được thiết kế để tấn công hủy diệt tàu sân bay Mỹ) và tên lửa Kh-15 có tầm bắn đến 250 Km và tốc độ đến 5.000 Km/h. Cả 2 loại tên lửa đều có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoài ra, tên lửa Kh-32 đang được nghiên cứu chế tạo cho Tu-22M3, dự kiến sẽ có thể tiêu diệt mục tiêu ở cự li đến 1.000km với độ chính xác rất cao. Đến năm 2020, có 30 chiếc Tu-22M3 sẽ được hiện đại hóa nâng cấp đến cấu hình Tu-22M3M và được trang bị chính những tên lửa này. Bài viết cho biết rằng, có thể ở Crimea sẽ triển khai những chiếc máy bay mới này.
“Công phá” hệ thống phòng thủ tên lửa ở châu Âu
Regnum cho rằng, với bán kính chiến đấu xa của Tu-22M3, cộng thêm tầm bắn của tên lửa có cánh đủ để bao trùm toàn bộ lãnh thổ vùng Tây Âu, kể cả nước Anh. Tu-22M3 sẽ có thể bay đến các nước Đông Âu với tốc độ vượt âm liên tục. Tất cả những điều này là thêm một đòn mạnh có thể có đánh vào hệ thống phòng thủ chống tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Trước đó, đáp trả việc triển khai hệ thống phòng thủ chống tên lửa ở châu Âu, Nga đã triển khai tổ hợp tên lửa Iskander-M có tầm bắn từ 500-2.000km tùy thuộc cấu hình tên lửa được sử dụng. Tên lửa được tổ hợp này phóng đi có thể sử dụng các biện pháp cơ động khác nhau, vì vậy thực chất không bị hệ thống phòng không và phòng thủ chống tên lửa đe dọa.
Sự phối hợp Tu-22M3 với Iskander-M hoàn toàn làm mất giá trị các thành tố của hệ thống phòng thủ chống tên lửa mà Mỹ sẽ bắt đầu triển khai ở Ba Lan và Romania trong các năm 2018-2020.
 Việc Nga điều Tu-22M3 tới Crimea đem lại nhiều lợi thế trong việc đối phó hệ thống phòng thủ tên lửa, can thiệp dễ dàng vào khu vực khác.
Các hướng khác mà ở đó khả năng của Quân đội Nga được tăng cường nhờ Tu-22M3 là khu vực Biển Đen, bán đảo Banlkan và Cận Đông. Biển Đen, vốn đã nằm trong tầm bắn của một lượng lớn tên lửa phòng thủ bờ biển, bây giờ sẽ còn bị các máy bay ném bom Tu-22M3 mang tên lửa có cánh của kiểm soát. Tất cả những điều này giúp việc tiêu diệt hạm đội Thổ Nhĩ Kỳ, hay một hạm đội khác nào đó hoạt động tích cực trên Biển Đen thành nhiệm vụ không có gì phức tạp.
Ngoài ra, trong trường hợp thật sự cần thiết, tiềm năng của Crimea có thể được sử dụng trong các “điểm nóng” tiềm tàng của Cận Đông - trong đó có Syria và Iran.
Có thể nói, việc Nga quyết định triển khai Tu-22M3 ở Crimea tăng đáng kể khả năng của các Lực lượng vũ trang Nga tại các khu vực quan trọng vào thời điểm hiện tại. Với ý nghĩa này việc Nga có được “tàu sân bay không thể bị đánh chìm” ruột thịt của mình là vô giá.
Bước đi này của Tổng thống Vladimir Putin, hiện vẫn chưa được các phương tiện thông tin đại chúng phương Tây đánh giá đầy đủ, là sự trừng phạt nghiêm trọng hơn nhiều so với việc phong tỏa tài khoản của một số doanh nhân hoặc chính khách Nga.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)