MiG-35 được xem như là phiên bản hiện đại hóa của mẫu tiêm kích đánh chặn hạng nhẹ MiG-29. MiG-35 xuất hiện lần đầu tiên ở triển lãm hàng không tại Ấn Độ vào năm 2007. Thời điểm đó, nó được xem như là dòng máy bay chiến đấu xuất khẩu chủ lực của Nga vào thị trường Ấn Độ.
Tuy nhiên, MiG-35 lại vấp phải thất bại lớn tại thị trường này, mặc dù vậy công ty Mikoyan vẫn xem MiG-35 là sản phẩm chủ lực của hãng tại một số thị trường tiềm năng khác như Ai Cập hoặc một số nước ở Trung Đông.
Cửa sống từ thị trường Ai Cập
Theo đó, năm 2010, tham gia chương trình mua sắm máy bay chiến đấu đa năng (MRCA) tcủa Ấn Độ, MiG-35 đã gặp thất bại lớn trước các đối thủ đến từ Châu Âu khiến Mikoyan vụt mất hợp đồng trị giá nhiều tỷ USD từ thị trường truyền thống này. Dẫu vậy, tương lai của MiG-35 một lần nữa được thấp lên hy vọng khi Không quân Ai Cập để ý tới mẫu máy bay đa năng này. Ngay sau đó Moscow và Cairo đã xúc tiến một hợp đồng trị giá 3 tỷ USD, để trang bị 24 chiếc MiG-35 cho Ai Cập cùng với một số gói hỗ trợ trang bị đi kèm.
|
Tiêm kích đa năng MiG-35 bay thử nghiệm.
|
Các cuộc đàm phán về hợp đồng của MiG-35 đã được thảo luận chi tiết hơn khi một phái đoàn quân sự cấp cao của Nga đến thăm Ai Cập vào thời điểm đó, hợp đồng trên không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho Moscow mà còn giúp Nga cải thiện mối quan hệ với chính quyền Cairo. Còn Ai Cập cần một mẫu máy bay chiến đấu thế hệ mới khác biệt so với các máy bay chiến đấu do Mỹ sản xuất, nhằm tạo ra sự răn đe trước cựu thù Israel sau thất bại nặng nề trong Chiến tranh Ả Rập – Israel vào năm 1973.
Nhưng rủi thay, với tình hình chính trị bất ổn ở Ai Cập, khiến hợp đồng trên một lần nữa lại rơi vào bế tắc. Người Nga dành hết hy vọng vào cuộc đảo chính quân sự vào năm 2013 do tư lệnh chỉ huy quân đội Ai Cập Abdel-Fattah Al-Sisi đứng đầu, và bước đầu phía Ai Cập để ngỏ khả năng tiếp tục thực hiện các hợp đồng quân sự đã ký kết trước đây.
Thậm chí, phía Nga còn tin tưởng rằng, họ có thể tìm kiếm thêm các hợp đồng khác từ Ai Cập trong các chương trình mua sắm vũ khí của Quân đội Ai Cập trong thời gian sắp tới như: trực thăng tiến công Mi-35, tên lửa chống tăng và các hệ thống phòng thủ bờ biển.
Lực lượng Không quân Ai Cập hiện nay chủ yếu phụ thuộc các máy chiến đấu F-16 đã lỗi thời do Mỹ chế tạo, trong khi đó Israel cũng sở hữu loại máy bay này nhưng với phiên hiện đại hóa mạnh hơn nhiều. Với việc trang bị các máy bay chiến đấu thế hệ mới do Nga chế tạo sẽ giúp Không quân Ai Cập có thể dành ưu thế trên không trước các máy chiến đấu do Mỹ sản xuất.
|
MiG-35 có thể giúp Ai Cập đối phó với tiêm kích F-16I của Israel.
|
Thị trường Trung Đông tiềm năng
Các quốc gia Trung Đông luôn là mục tiêu mà các công ty quốc phòng Nga luôn nhắm tới. Do tình hình chính trị và an ninh bất ổn trong khu vực, việc tăng cường khả năng quốc phòng luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của các quốc gia này.
Tuy trước đây mối quan hệ giữa Nga và các nước Trung Đông không được tốt đẹp, một phần là do chính sách của Mỹ trong khu vực. Nhưng mọi chuyện đã dần thay đổi khi ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực trên đang dần suy yếu, và đây sẽ là cơ hội cho Nga tăng cường ảnh hưởng và vị thế của mình trong khu vực bằng cách đơn giản nhất là thông qua các hợp đồng cho vay hay viện trợ mua bán vũ khí.
Các nhà phân tích chiến lược thuộc Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia Israel đánh giá, Nga sẽ chuyển hướng trọng tâm sang Trung Đông nhằm mở thêm một mặt trận khác chống Phương Tây để tạo thế cân bằng với Đông Âu. Một hợp đồng vũ khí với Ai Cập sẽ giúp Nga nâng cao đáng kể vị thế quốc tế của mình và là tiền đề giúp mở rộng mối quan hệ với các nước trong khu vực Trung Đông.
|
MiG-35 có khả năng mang hầu hết hệ thống vũ khí hiện đại của Nga.
|
Đầy tiềm năng nhưng cũng lắm rủi ro
Tuy có khả năng dành được một hợp đồng béo bở với Ai Cập, nhưng phía Nga cũng lo ngại về khả năng tài chính của nước này. Ai Cập là một trong những quốc gia nhận được viện trợ quân sự nhất của Mỹ, tuy nhiên với vụ đảo chính quân sự vào năm 2013 khiến Mỹ buộc phải cắt giảm viện trợ quân sự cho chính quyền Cairo vì luật phát Mỹ nghiêm cấm hỗ trợ tài chính cho chính quyền được thành lập do đảo chính quân sự.
Trong bối cảnh trên, khả năng Ai Cập có đủ sức để thực hiện một thương vụ lớn như MiG-35 sẽ rất khó khăn, mặc dù hai quốc gia thân cận với chính quyền Cairo là Ả Rập Saudi và UAE tuyên bố sẵn sàng hổ trợ cho Ai Cập trong thương vụ trên nhưng tương lai của MiG-35 ở Ai Cập vẫn còn chưa có gì là đảm bảo.
Một phần cho tuyên bố trên là do các chính sách của Mỹ trong các vấn đề nóng bỏng ở khu vực như nội chiến ở Syria hay chương trình hạt nhân của Iran gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của các quốc gia đồng minh Ả Rập. Và việc các quốc gia này xích gần lại với Nga là xu thế tất yếu, nếu Ai Cập gặp khó khăn về tài chính thì Moscow cũng sẽ sẵn lòng cho Cairo được hưởng các khoang vay ưu đãi để thanh toán các hợp đồng dài hạn.
Có thể đối trọng với F-35 Mỹ
MiG-35 là mẫu máy bay chiến đấu đa nhiệm có thể tấn công trên không, trên bộ, trên biển trong mọi điều kiện thời tiết.. Các phiên bản xuất khẩu của MiG-35 sẽ được trang hệ thống radar quét mảng pha chủ động Zhuk-AE, với khả năng tương thích với các hệ thống tác chiến của cả Phương Tây hay Nga chế tạo.
Trong khi đó, một chuyên gia quân sự nhận định MiG-35 chỉ là một phiên bản đổi tên của MiG-29. Nhưng trên thực tế MiG-35 đã được Mikoyan nâng cấp đáng kể về cả chất lẫn lượng nếu so với một chiếc MiG-29. Chính vì thế mà MiG-35 được Nga xếp vào thế hệ máy bay chiến đấu 4++.
|
MiG-35 có thể đối trọng với F-35?
|
Với các nâng cấp đáng kể của mình, MiG-35 đủ khả năng không chiến trên không với các tên lửa không đối không và cũng như tiêu diệt các mục tiêu cố định bằng tên lửa hành trình. Ngoài ra điểm đặc biệt của MiG-35 là nó còn có thể thực hiện các nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu trên biển và thực hiện các nhiệm vụ trinh sát trên không nhờ khả năng tàng hình nhẹ.
Thêm vào đó, hiện tại Không quân Nga vẫn có một mối quan tâm nhất định tới dòng máy bay này khi máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 PAK-FA của Nga vẫn chưa hoàn thiện.
Tư lệnh Không quân Nga Tướng Alexander Zelin cho biết, lực lượng Không quân Nga sẽ sử dụng các máy chiến đấu MiG-35D làm đối trọng với các máy chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 F-35 của Mỹ cho đến khi PAK-FA được đưa vào trang bị chính thức cho Không quân Nga.
Nga đã ký hợp đồng trị giá 473 triệu USD nhằm trang bị mới 16 chiếc MiG-35, và lô máy bay đầu tiên sẽ được chuyển giao vào đầu năm 2016. Dự kiến Nga sẽ mua tổng cộng 100 chiếc MiG-35 nhưng chỉ trong ngắn hạn.