Nhận biết mặt mũi họ hàng “đại bàng” MiG-29 Nga

Google News

(Kiến Thức) - Có thể căn cứ vào những đặc điểm trên khung sườn để nhận biết các máy bay thuộc gia đình tiêm kích hạng nhẹ MiG-29 Nga.

Cùng với gia đình Su-27, Liên Xô trước kia và Nga ngày nay còn có một gia đình máy bay khác nổi tiếng không kém đó chính là MiG-29 (NATO định dnah là Fulcrum). Tương tự nhiều dòng máy bay khác, MiG-29 được phát triển với hàng chục biến thể khác nhau, thậm chí việc này còn đang tiếp diễn tới tận ngày nay.
Để phân biệt các biến thể MiG-29 quả thực không hề dễ dàng gì khi chúng na ná nhau hình dáng bên ngoài. Dù vậy, thực tế thì các biến thể vẫn có sự khác biệt trên khung sườn. 
Sau đây, Kiến Thức xin giới thiệu một số sự khác biệt giữa các biến thể MiG-29:
Thế hệ khung sườn đầu tiên:
Thế hệ MiG-29 đầu có tuổi thọ 2.000 giờ bay/20 năm, đặc điểm dễ nhận ra nhất chính là các cửa lấy khí phụ kiểu “mang cá” trên gốc cánh.
- MiG-29 (Fulcrum-A): Đây là thế hệ MiG-29 đầu tiên với sống lưng thuôn gọn, có sức chứa nhiên liệu 4.365 lít. Nó có 2 dòng giản lược tính năng và không mang được vũ khí hạt nhân để xuất khẩu: MiG-29A cho các nước trong khối Warsaw và MiG-29B cho các nước bên ngoài. Chúng chỉ có 1 mấu cứng duy nhất ở giữa 2 cửa gió là có thể gắn được thùng dầu phụ.
MiG-29A.
- MiG-29UB (Fulcrum-B): Phiên bản huấn luyện của MiG-29 Fulcrum-A với thùng dầu phía sau buồng lái được dời đi để lấy chỗ cho phi công thứ 2. Nó không được trang bị radar vì thế mũi được làm nhỏ đi để tăng tính khí động và tầm quan sát cho phi công. Do ghế sau hầu như không cao hơn ghế trước nên một chiếc gương quan sát được gắn trên nóc buồng lái sau giúp giáo viên có thể quan sát tốt hơn khi hạ cánh. Vì không được gắn radar nên tính năng chiến đấu của MiG-29UB cực kỳ hạn chế.
MiG-29UB với gương quan sát phía trước của phi công giáo viên.
- MiG-29S (Fulcrum-C): Đây là dòng MiG-29 thứ 2 được phát triển dựa trên khung sườn của MiG-29 Fulcrum-A nhưng được làm chắc chắn hơn nên có tải trọng cất cánh tối đa là 20 tấn so với 18 tấn của phiên bản trước.
Sống lưng của máy bay được làm to hơn vì thế nó được gọi là Hunchback -  Lưng gù. Tuy nhiên lượng nhiên liệu bên trong chỉ tăng thêm có 175 lít bởi phần lớn không gian tăng thêm được dùng để chứa thiết bị gây nhiễu điện tử "Gardeniya". MiG-29S không được xuất khẩu bởi Liên Xô sợ lộ bí mật "Gardeniya".
Số mấu cứng dưới cánh vẫn là 7 giống như phiên bản trước với 3 ở mỗi bên cánh và 1 ở trung tâm. Tuy nhiên số mấu cứng hạng nặng có thể mang thùng dầu phụ loại 1.500 lít được tăng lên thành 3: 1 mấu cứng trung tâm giữa 2 ống dẫn khí và 2 mấu cứng trong cùng của 2 cánh. Khung sườn MiG-29S về cơ bản vẫn thuộc thế hệ đầu tiên, sau này MiG-29S có phiên bản xuất khẩu là MiG-29SE.
MiG-29S (Fulcrum-C) với cái lưng gù so với MiG-29 (Fulcrum-A).
Cả 2 loại MiG-29 Fulcrum-A/C đều có khả năng tấn công mặt đất rất hạn chế với chỉ bom và rocket câm bởi radar của chúng không có chế độ dành cho đối đất/đối biển.
- Các phiên bản khác
+ MiG-29SD, MiG-29SM được nâng cấp từ MiG-29A/B/SE về radar và hệ thống điện tử cũng như gia cố kéo dài tuổi thọ khung sườn.
+ MiG-29SMT: Loại này cũng thuộc thế hệ khung sườn đầu tiên nhưng phần lưng được làm gù đến mức tối đa để chứa thêm 950 lít nhiên liệu. MiG-29SMT được cho là sản xuất từ các khung sườn còn dư lại từ thời Liên Xô.
MiG-29SMT với cái lưng gù ngoại hạng 
+ MiG-29SMT-2 (MiG-29UBT): MiG-29UB được trang bị đầy đủ radar, hệ thống điện tử, vũ khí như MiG-29SMT thay vì chỉ dùng để huấn luyện như ban đầu. Lưng nó cũng được làm gù lên để chứa thêm nhiên liệu. Mũi của MiG-29SMT-2 cũng phải được làm lại to hơn để chứa vừa radar Zhuk-ME.
Một điểm cần lưu ý là với thế hệ khung sườn này, tất cả các máy bay MiG-29 đều chỉ có 3 mấu cứng trên mỗi cánh dù là MiG-29SMT sản xuất mới.
MiG-29SMT-2 (MiG-29UBT) với cái lưng gù lớn 
So với MiG-29UB.
Thế hệ khung sườn thứ hai
Đây là thế hệ MiG-29 cũ với sức chứa nhiên liệu chỉ 4.540 lít cho tầm bay 1.400-1.500 km cùng tải trọng vũ khí 3 tấn khiến Liên Xô không cảm thấy hài lòng. Một thế hệ MiG-29 mới được nghiên cứu và mau chóng ra đời, các mẫu thử nghiệm được định danh là MiG-29M. Chúng có khung sườn hoàn toàn mới với các đặc điểm sau:
- Cửa lấy khí phụ nằm trên gốc cánh bị bỏ đi
- Thân máy bay to hơn vẫn có sống lưng gù nhưng đã gọn gàng đi rất nhiều
- Sải cánh, gốc cánh và diện tích cánh lớn hơn
- Có 4 mấu cứng trên mỗi cánh thay vì 3 như thế hệ trước
- Hộp đạn được làm nhỏ lại với sức chứa chỉ 100 thay vì 150 viên
- Khung sườn được làm từ hợp kim nhôm-liti và composite.
Các biện pháp trên dẫn tới MiG-29M có sức chứa nhiên liệu được cho là 6.250 lít với tầm bay đạt 2.000 km, một con số vượt bậc so với 1.400-1.500 km của thế hệ MiG-29 đời đầu.
 MiG-29M
Khi mới được thử nghiệm, mặc dù cửa lấy khí phụ nằm trên gốc cánh đã bị bỏ đi nhưng máy bay vẫn được sơn các vạch đen ở vị trí này. Việc này nhằm ngụy trang đánh lừa tình báo/ vệ tinh của Mỹ và Nato về một loại máy bay mới.
Các vạch sơn 
MiG-29K: phiên bản hải quân dùng cho tàu sân bay của MiG-29M với cánh có thể gấp lại để tiện cho việc xếp trong hầm chứa tàu sân bay cũng như được gắn một móc vào bên dưới đuôi, giữa 2 động cơ để trợ giúp trong khi hạ cánh.
MiG-29K.
Tuy nhiên, do Liên Xô tan rã mà dự án bị hủy bỏ với chỉ 6 máy bay được sản xuất. Phi đội máy bay biểu diễn MiG-29M OVT chính là 6 máy bay này được sơn lại và thay động cơ bằng loại điều chỉnh hướng phụt. Chúng không phải là MiG-29M/M2 hay MiG-35 (Các máy bay mà Mikoyan gọi là gia đình mới) như một số người lầm tưởng.
Gia đình máy bay mới của Mikoyan
Dù vẫn mang tên MiG-29 nhưng Mikoyan gọi MiG-29M2, MiG-29K/KUB là "Gia đình chuẩn hóa mới " cùng với MiG-35.
Năm 2005, Ấn Độ và Nga ký hợp đồng sửa chữa, nâng cấp tàu sân bay Đô đốc Gorshkov cũ thành Vikramaditya sau nhiều năm thương lượng. MiG-29K/KUB trở thành chọn lựa duy nhất bởi kích thước phù hợp không những cho Vikramaditya mà còn cho các tàu sân bay tương lai của Ấn Độ.
Tuy nhiên, Ấn Độ cũng đặt ra một loạt yêu cầu mới cho MiG-29K như: máy bay phải nhẹ hơn, tuổi thọ khung thân cao hơn; động cơ khỏe hơn và có tầm hoạt động lớn hơn; thiết bị điện tử tiên tiến hơn, có thể tích hợp với các thiết bị của châu Âu; trang bị cho máy bay cần tiếp dầu và đặc biệt máy bay huấn luyện 2 chỗ ngồi phải có đầy đủ tính năng như máy bay 1 chỗ ngồi.
Trước những yêu cầu của phía Ấn Độ, MiG-29K cũ đã được các kỹ sư của Mikoyan thiết kế lại thành một máy bay MiG-29K mới có phần đầu và buồng lái sửa đổi với mũi to hơn để có thể chứa radar lớn hơn và một cần tiếp dầu có thể thu vào ở bên mạn trái.
MiG-29K mới với phần đầu được làm lại 
So với MiG-29K cũ.
MiG-29KUB giống MiG-29K đến 99,99% và chỉ nhận biết được bằng cách khi nhìn vào buồng lái ta sẽ thấy ghế phi công phía sau trên MiG-29KUB được thay thế bằng một thùng nhiên liệu.
 Buồng lái của MiG-29K.

 Buồng lái của MiG-29KUB.
Buồng lái phía sau trên MiG-29KUB được cho là có đầy đủ 100% chức năng như buồng lái phía trước, điều này khiến cho việc hoán đổi vai trò của 2 phi công trở nên rất thuận tiện.
- MiG-29M2: chính là phiên bản 2 chỗ ngồi dành cho không quân được Mikoyan phát triển từ MiG-29K/KUB phiên bản hải quân dành cho Ấn Độ. Công việc cũng khá đơn giản khi các kỹ sư Mikoyan chỉ việc lấy chiếc MiG-29M cũ rồi làm mới phần đầu và buồng lái như chiếc MiG-29KUB.
Có thể nói, MiG-29M2 là em và giống MiG-29K/KUB tới 99,99% kể cả cái cánh có thể gấp vào được. Khác biệt có lẽ là duy nhất để phân biệt chính là MiG-29KUB có móc hãm gắn ở đuôi còn MiG-29M2 thì không có.
Móc hãm trên MiG-29KUB.
Móc hãm không có mặt trên MiG-29M2. 
Một số thông tin cho rằng ngoài phiên bản MiG-29M2 2 chỗ ngồi, Mikoyan còn phát triển thêm chiếc MiG-29M mới với 1 chỗ ngồi dựa trên MiG-29K sản xuất cho Ấn Độ, tuy nhiên có vẻ như chưa có chiếc MiG-29M mới nào được sản xuất.
Thành viên mới nhất trong gia đình MiG-29 chính là máy bay MiG-35 (Fulcrum-F) với 1 phi công và phiên bản MiG-35D với 2 phi công điều khiển. MiG-35/MiG-35D có khung sườn cơ bản là của chiếc MiG-29M2 được trang bị các hệ thống điện tử nâng cấp tiên tiến hơn và động cơ thay đổi hướng phụt 3D dựa trên động cơ RD-33MK. Chính vì vậy, nhìn bên ngoài rất khó có thể phân biệt được đâu là MiG-29M2 và đâu là MiG-35D.
 MiG-35D.
Tương tự MiG-29M, mặc dù có trong danh mục nhưng hiện tại vẫn chưa thấy hình ảnh nào của chiếc MiG-35 1 chỗ ngồi xuất hiện.
Dương Phạm

Bình luận(0)