GBU-43/B: mẹ của các loại bom
Bom GBU-43/B là một trong những vũ khí phi hạt nhân lớn nhất mà loài người từng sở hữu. Loại bom áp nhiệt này là hậu duệ của vua bom đời trước BLU-82 “Daisy Cutter”, được phát triển bởi Phòng thí nghiệm nghiên cứu Không quân Mỹ (AFRL).
Có cái tên chính thức là “Massive Ordnance Air Blast” khi viết tắt là MOAB thật thú vị lại trùng với cách viết tắt của cụm từ “Mother Of All Bombs” nên GBU-43/B thường được gắn với cái tên “hầm hố”: Mẹ của các loại bom.
|
GBU-43/B - Mẹ của các loại bom.
|
Siêu bom thông thường mạnh nhất của Mỹ này được phát triển khá nhanh chóng. Năm 2002, Không quân Mỹ bắt đầu có những nghiên cứu nhằm cải tiến loại bom cũ BLU-82. Kết quả là trái bom mới GBU-43 lớn hơn, có hình dạng khí động tốt hơn và hiệu quả hơn ra đời. Biến đổi lớn nhất ở GBU-43/B là hệ thống dẫn đường GPS kết hợp với con quay hồi chuyển quán tính. Điều này đồng nghĩa với chúng có thể tạo ra các vụ tấn công chính xác và làm các phi vụ ném bom trở lên an toàn hơn khi bom có thể được thả ở độ cao lớn.
Máy bay chuyên dụng để thả loại bom này là C-130 Hercules , mà cụ thể hơn là 2 biến thể MC-130E Combat Talon I và MC-130H Combat Talon II. Sau khi được kéo ra ngoài máy bay bằng một chiếc dù, quả bom nhanh chóng tách ra, 4 cánh đuôi được mở cùng 2 cánh thân kiểu Belotserkovsky tạo sự ổn định trong phương di chuyển trước khi hệ thống dẫn đường định vị hoạt động vài giây sau đó. Đây cũng là một trong những vũ khí lớn nhất sử dụng dẫn đường GPS.
“Mẹ của các loại bom” có hình dạng như một quả tên lửa dài 9,1m, đường kính 1,03m, trọng lượng 9.840 kg. Thực chất nó gồm một bom con BLU-120/B chứa 8.480 kg thuốc nổ H6 và bộ kiểm soát dẫn đường KMU-593/B (GPS/INS). Trong đó, H6 là loại chất nổ được sử dụng khá rộng rãi trong quân đội Mỹ, thành phần của nó gồm RDX ( Cyclotrimethylene trinitramine ), TNT và nhôm.
|
Thử nghiệm "mẹ của các loại bom".
|
Sức nổ của trái bom nhiệt áp BGU-43/B được đánh giá tương đương 11 tấn TNT, tạo ra bán kính sát thương tới 137m tính từ trung tâm vụ nổ. Cơ chế nổ của loại bom này về cơ bản là giống với BLU-82. Hiệu ứng sát thương từ mảnh văng là khá nhỏ khi vỏ bom mỏng và được chế tạo từ hợp kim mềm, tuy nhiên nó không mấy quan trọng vì cơn địa chấn khủng khiếp và sức nóng kinh hoàng của vụ nổ sẽ dễ dàng làm biến mất các chướng ngại trên mặt đất. Tất nhiên, MOAB cũng không được phát triển để tạo ra các cuộc tấn công xuyên phá nên chúng không có tác dụng nhiều trong việc tấn công những mục tiêu siêu kiên cố như boogke ngầm.
Chỉ trong vòng 9 tháng, dự án GBU-43/B đã đi từ bản vẽ thiết kế đến chế tạo mẫu thử và hoàn thành được 3 lần thử nghiệm rất thành công, trong đó lần thử nghiệm đầu tiên vào 11/3/2003 tại căn cứ không quân Eglin ở Florida. Cùng lúc đó, cuộc chiến Iraq bùng nổ và Lầu Năm Góc có ý định mang siêu bom mới này ra thử lửa tại chiến trường. Sau đó, tuy có được mang đến vịnh Péc xích vào tháng 4/2003 nhưng chúng không được một lần sử dụng. Hiện nay có khoảng 15 quả bom hủy diệt loại này được lưu cất trong kho vũ khí của Mỹ.
Ngôi vị “mẹ của các loại bom” của GBU-43/B bị phế chuất vào ngày 11/9/2007 khi người Nga tuyên bố thử thành công siêu bom áp nhiệt có tên “Cha của các loại bom”, có sức mạnh lớn hơn gấp 4 lần GBU-43/B.
Kẻ kế thừa siêu bom T-12
Nếu như GBU-43/B là hậu duệ của BLU-82 thì GBU-57 được Boeing phát triển lại có nhiều điểm kế thừa từ T-12 Cloudmaker. Được khởi động từ 2005, tuyên bố sẵn sàng đưa vào trang bị từ năm 2012 nhưng những thử nghiệm trên GBU-57 vẫn diễn ra trong năm 2013 căn cứ không quân Eglin ở Florida, Mỹ sau đó thông báo đã có những đột phá bí mật làm tăng khả năng khoan xuyên của loại bom này.
Đây chính là vũ khí mạnh nhất trên thế giới chuyên dùng để tấn công các công trình ngầm kiên cố mà những mục tiêu được xác định hàng đầu là các cơ sở hạt nhân của Triều Tiên hay Iran.
|
Sát thủ diệt boong ke, hầm ngầm - GBU-57.
|
Nó mang những đặc điểm điển hình của một trái bom loại này, thiết kế khí động tốt, 4 cánh thân lớn và 4 cánh đuôi dạng lưới mắt cáo. Phần vỏ của đầu nổ được làm từ hợp kim thép đặc biệt và thiết kế cho phép mang khối lượng chất nổ lớn trong khi vẫn duy trì được lực xuyên phá khi va chạm.
Bom GBU-57 có chiều dài 6,1m, đường kính 0,8m, nặng 13,6 tấn, mang đầu nổ 2,7 tấn gấp 10 lần loại bom xuyên BLU-109 mà Mỹ vẫn sử dụng. Dù sức nổ “chỉ” tương đương 3-5 tấn TNT nhưng nhờ gây nổ từ bên trong nên sức công phá của GBU-57 lớn hơn rất nhiều so với tấn công từ bên ngoài.
|
Thử nghiệm GBU-57.
|
Bom được trang bị cho những máy bay ném bom chiến lược như B-52 hay B-2, tích hợp khả năng dẫn đường nhờ hệ thống vệ tinh định vị toàn cầu (GPS). Bộ quốc phòng Mỹ đã đổ rất nhiều tiền của vào dự án này, ví dụ để cải tiến máy bay B-2 có thể mang bom MOP, cần 88 triệu USD.
Sau khi chạm đất, GBU-57 sẽ xuyên thấu các tầng bê tông cốt thép nhờ tốc độ cao kết hợp lớp vỏ cực cứng. Phía đuôi bom được gắn hệ thống quạt đẩy giúp tăng tốc độ để xuyên phá sâu hơn. Sau khi đạt được độ sâu tối đa có thể, bom sẽ tự kích nổ phá hủy mục tiêu. GBU-57 có khả năng xuyên sâu tới 60 m qua lớp bê tông thông thường (có khả năng chịu lực 3.500 tấn/m2), 8m qua bê tông cường lực (có khả năng chịu lực nén 7.000 tấn/m2) và 40m qua đá cứng.