LRASM: “sát thủ diệt hạm” tương lai của Hải quân Mỹ

Google News

(Kiến Thức) - LRASM là một chương trình đầy tham vọng trong việc thu hẹp khoảng cách về tên lửa hành trình chống tàu của Mỹ so với Nga.

Những năm gần đây, Nga vẫn liên tục cho ra đời những tên lửa chống tàu với tầm bắn xa, tốc độ siêu thanh và gần như không thể đánh chặn. Đặc biệt, thời gian gần đây Trung Quốc cũng liên tục giới thiệu những tên lửa chống tàu có tầm bắn không hề kém cạnh những “sát thủ diệt hạm” của Nga.

Trong khi đó loại tên lửa chống tàu duy nhất của Mỹ là RGM-84 Harpoon hoàn toàn lép vế so với các thiết kế của Nga. Bên cạnh đó, Mỹ vẫn đánh giá thấp khả năng của các tên lửa chống tàu Trung Quốc nên không coi trọng việc phát triển loại vũ khí chủ lực chống tàu mặt nước này.

Tuy nhiên, những thành công gần đây của Trung Quốc đã khiến Mỹ phải giật mình và nhận thấy rằng mối đe dọa từ tàu chiến của Trung Quốc là rất lớn và họ cần tên lửa chống tàu mới để vô hiệu hóa  mối đe dọa này. LRASM chính là chương trình để cụ thể hóa cho vấn đề này.

LRASM là viết tắt của cụm từ (Long range anti-ship missile dịch ra là tên lửa chống tàu tầm xa) được hợp tác phát triển giữa Tập đoàn Lockheed Martin và Cơ quan nghiên cứu phát triển các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) cho Hải quân Mỹ vào năm 2008. Mục đích thiết kế là phải phát triển cho tên lửa hệ thống dẫn đường tinh vi đủ khả năng xuyên thủng lá chắn phòng không của đối phương.
Hình mô phỏng tên lửa hành trình chống tàu LRASM phóng từ hệ thống Mk41 trên tàu chiến.

Chương trình LRASM được phát triển dựa trên đạn tấn công ngoài tầm phòng không điểm liên quân mở rộng AGM-158B JASSM-ER. Hình dáng khí động học của 2 tên lửa này khá giống nhau. Thân tên lửa có dạng hình elip để tăng khả năng tàng hình, đuôi tên lửa có 1 cánh đuôi đứng, 2 cánh ổn định hình chữ V sẽ được bung ra để tăng khả năng ổn định khi hành trình.

LRASM  được phóng từ hệ thống phóng thẳng đứng Mk41 tiêu chuẩn trên các tàu chiến của Mỹ. Tên lửa được đưa ra khỏi ống phóng bằng động cơ tăng cường nhiên liệu rắn, sau đó động cơ phản lực sẽ được kích hoạt để hành trình đến mục tiêu.

Điểm nổi bật của tên lửa LRASM là hệ thống dẫn hướng rất độc đáo. Không giống như các tên lửa chống tàu hiện tại, LRASM có thể nhắm mục tiêu một cách độc lập mà không cần sự hỗ trợ trước của các thông tin tình báo hay các phương tiện hỗ trợ khác.

LRASM được trang bị bộ cảm biến đa tần số cùng một liên kết dữ liệu kỹ thuật số mới cho phép dẫn hướng không phụ thuộc vào GPS. LRASM được dẫn hướng đến mục tiêu kết hợp dẫn hướng quán tính ở pha đầu, hệ thống datalink cho phép tên lửa cập nhật mục tiêu từ tàu phóng hoặc từ phương tiện trinh sát khác.

Pha cuối tên lửa nhắm mục tiêu bằng cảm biến quang - điện theo công nghệ so sánh hình ảnh tương phản. Công nghệ này cho phép tên lửa truy theo những tàu chiến đang di chuyển ở tốc độ cao với độ chính xác rất cao. Tên lửa hành trình đến mục tiêu ở độ cao trung bình khi gần đến khu vực mục tiêu tên lửa hạ thấp độ cao xuống gần mặt nước biển để tránh các biện pháp đánh chặn và tấn công mục tiêu.

Tên lửa LRASM được trang bị đầu đạn nặng 453kg đủ sức nhấn chìm bất kỳ chiến hạm mặt nước nào. Với tầm bắn 370km, LRASM có thể sánh vai cùng với các tên lửa hiện đại của Nga.
LRASM sẽ là "sát thủ diệt hạm" đối phó tàu chiến Nga, Trung trong tương lai.

Tuy nhiên Mỹ vẫn theo đuổi các thiết kế tên lửa chống tàu tốc độ cận âm nên tốc độ không phải là thế  mạnh của LRASM. Thực tế, ban đầu các nhà thiết kế dự tính phát triển biến thể chống tàu siêu thanh LRASM-B. Tuy nhiên, biến thề này bị hủy bỏ vào tháng 1/2012.

Nhưng bù lại LRASM có hệ thống dẫn hướng rất tinh vi không phụ thuộc vào GPS cùng với khả năng tàng hình biến nó thành sát thủ chống tàu vô cùng lợi hại. Ngoài khả năng chống tàu,  nó cũng được sử dụng cho mục đích tấn công các mục tiêu ven biển.

LRASM dự định sẽ trở thành tên lửa chống tàu chủ lực của các tàu chiến Mỹ và nó cũng có khả năng trang bị cho các máy bay ném bom chiến lược B-1 Lancer. Bên cạnh đó Lockheed Martin cũng đưa ra khái niệm về một biến thể phóng từ tàu ngầm.

Ngày 3/6/2013 LRASM đã đạt được cột mốc đáng quan trọng, tên lửa đã được thử nghiệm thành công từ ống phóng mô phỏng hệ thống Mk41. Bốn lần thử nghiệm tương tự cũng đã được thực hiện thành công trong tháng 6/2013. Ngày 11/7/2013 vừa qua LRASM đã thử nghiệm thành công từ máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer.

Dự kiến 2 lần thử nghiệm từ ống phóng trên tàu chiến đã được lên kế hoạch để thực hiện trong năm 2014, công tác thử nghiệm đầy đủ dự kiến hoàn thành trong năm 2014. Công tác sản xuất LRASM dự kiến sẽ được tiến hành từ năm 2015.


Bình Đức

Bình luận(0)