6. Tên lửa đối không tầm trung R-77 Adder
Tên lửa không đối không tầm trung R-77 được Liên Xô phát triển như là một đối thủ cùng phân khúc với loại AIM-120 AMRAAM (Mỹ). Loại tên lửa này sử dụng cánh vây rất đặc biệt khiến chúng ta dễ nhận ra R-77 giữa các loại tên lửa khác. R-77 được phát triển trong những năm 1980 và đi vào hoạt động một thập kỷ sau đó trên máy bay
MiG-29 và Su-27.
|
Tên lửa không đối không tầm trung R-77 Adder.
|
Nguyên tắc “dò đường” đến mục tiêu của R-77 cơ bản cũng giống như AIM-120, với thiết bị quán tính, thiết bị phát/nhận dữ liệu và đầu dò pha cuối. Khi công kích các mục tiêu không có khả năng cơ động tốt bay ở độ cao lớn trong trạng thái đối đầu, R-77 (RVV-AE) có thể bắn từ cự ly 100 km, đầu dò radar chủ động của tên lửa có tầm hoạt động 20 km. Ở tầm ngắn, R-77 tiêu diệt được mục tiêu có khả năng cơ động lên tới 12G.
R-77 còn có một phiên bản R-77T sử dụng MKM-80, loại đầu dò hồng ngoại pha cuối. Thật ra việc sử dụng đầu dò hồng ngoại ở pha cuối, khi khoảng cách tiếp cận mục tiêu đã gần cũng khá hợp lý vì ở tầm xa thì việc thông suốt liên lạc giữa tên lửa và máy bay phóng có thể không đảm bảo, hoặc radar chủ động có thể không phát hiện được mục tiêu do đang bị gây nhiễu.
Một phiên bản sử dụng động cơ ramjet nhiên liệu rắn của R-77 cũng được phát triển để đối trọng với
tên lửa đối không tầm trung của châu Âu là Meteor. Được ký hiệu là RVV-AE-PD hay ngắn gọn hơn là R-77M, nó có thể được phóng ở độ cao lớn hơn với tầm bắn lên tới 160 km (chữ PD viết tắt từ cụm từ tiếng Nga “Povyshenoy Dalnosti” nghĩa là tăng tầm). Với phiên bản này, R-77 có thể xếp vào phân lớp tầm xa và sánh ngang với AIM-54 Phoenix của Mỹ.
|
R-77 và R-73 dưới cánh Su-27/30 Trung Quốc.
|
Trung Quốc với tư cách là một trong những quốc gia nhập khẩu Su-27/30 nhiều nhất cũng với các phiên bản sao chép thì dĩ nhiên họ không thể không quan tâm đến R-77, minh chứng là họ đã mua hàng trăm tên lửa R-77 cho không quân nước này cũng như mua công nghệ sản xuất R-77. Các đầu dò và thiết bị dẫn đường trên R-77 cũng được Trung Quốc sử dụng để sản xuất tên lửa PL-12/SD-10. Với uy lực đến từ nước Nga, tên lửa tầm trung R-77 trong tay Trung Quốc thực sự là một loại vũ khí rất lợi hại, càng lợi hại hơn nữa khi gắn trên các máy bay Su-27/30 huyền thoại.
7. Tên lửa đối không tầm ngắn R-73
Trong những năm 1980, tên lửa đối không tầm ngắn R-60 bắt đầu được thay thế bởi loại R-73 mới hơn và sử dụng những công nghệ tân tiến khiến R-73 cực kì linh hoạt trong khả năng đeo bám đối phương, đầu dò nhiệt MK-80 hiệu suất vượt trội thế hệ đầu dò cũ cũng như khả năng kết nối với mũ bay của phi công tạo lợi thế trong không chiến quần vòng sử dụng tên lửa tầm ngắn.
|
Tên lửa R-73.
|
Các tên lửa của phương Tây như AIM-9X, ASRAAM và Python 4 vốn được phát triển để làm đối thủ với R-73 đời đầu. R-73 được sử dụng chủ yếu trên máy bay MiG-29 và Su-27/30.
Thành phần chiến đấu của tên lửa bao gồm ngòi nổ chủ động kích hoạt bằng radar hoặc laser và ngòi nổ chạm đích, tiếp theo là đầu nổ nặng 8 kg. Tầm bắn tối đa của R-73 vào khoảng 30-40 km với phiên bản mới nhất, trong khi đó tầm bắn tối thiểu là 300m giúp loại tên lửa này cực kỳ hữu dụng trong các trận không chiến quần vòng (dogfight).
|
Su-27/J-11B của Trung Quốc với R-73.
|
Hiện tại, R-73 vẫn là loại tên lửa đối không tầm ngắn hiện đại nhất của Nga. Ngoài khả năng linh hoạt tuyệt vời, R-73 còn có thể kết nối trực tiếp với mũ bay của phi công, cho phép công kích các mục tiêu ở cạnh sườn máy bay, điều vốn không thể thực hiện được với các loại tên lửa có phương cách nhắm bắn và điều hướng thông thường.
Thời điểm ra đời, tiêm kích MiG-29 với tên lửa R-73 được điều khiển qua mũ phi công đã thể hiện khả năng không chiến tầm gần vượt trội so với máy bay phương Tây. Phiên bản đời cũ R-73A có tầm bắn 30 km trong khi phiên bản R-73M mới nhất có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách tới 40km.
R-73, dĩ nhiên là vũ khí tầm ngắn cực kì yêu thích của máy bay Su-27/30 lẫn J-11B trong không quân Trung Quốc.
8. Tên lửa đối không tầm trung R-27
R-27 (AA-10 Alamo) là loại tên lửa không-đối-không tầm trung được sản xuất bởi công ty Nga Vympel và Ukraine Artem. R-27 chính thức vào biên chế năm 1990 để trang bị cho các máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 mới nhất của không quân Liên Xô và cả các máy bay hiện đại của không quân Nga.
Việc thiết kế R-27 bắt đầu từ năm 1962 nhưng để đi đến hoàn thiện và sản xuất hàng loạt thì phải kéo dài tới năm 1983. Hiện nay có hơn 25 quốc gia trên thế giới đang biên chế tên lửa R-27 cho Không quân của mình.
|
R-27 dưới cánh Su-27/J-11B.
|
R-27 được sử dụng để công kích các mục tiêu như máy bay cánh bằng, trực thăng, tên lửa hành trình và máy bay không người lái (UAV) trong mọi điều kiện thời tiết, cả ngày lẫn đêm.
Thiết kế của R-27 về cơ bản không có gì quá khác biệt với dạng trụ tròn, thiết kế module cho phép tích hợp các hệ thống dẫn đường hay động cơ đẩy khác nhau. Tất cả các phiên bản tên lửa R-27 đều có đầu nổ nặng 39 kg được kích hoạt bằng radar hoặc tiếp xúc.
Tiếp nữa, loại tên lửa đối không tầm trung R-27 này được trang bị các cánh lái khí động học để đảm bảo khả năng bay ổn định, thiết kế của R-27 giúp cho tên lửa có thể cơ động với sức tải tối đa lên tới 8G.
|
Tên lửa R-27 của Trung Quốc.
|
Về hệ thống dẫn đường tới mục tiêu, R-27 hoặc được dẫn bằng radar bán chủ động hoặc bám bắt mục tiêu bằng đầu dò hồng ngoại tích hợp trong hệ thống dẫn đường của tên lửa. Động cơ của tên lửa R-27 là loại hỗn hợp rắn giúp AA-10 Alamo (R-27) bay với vận tốc tối đa 3.500 km/h.
Tên lửa R-27 được Trung Quốc sử dụng trên máy bay Su-27/30 và J-8II Finback.