Những chiếc máy bay ném bom dùng động cơ cánh quạt Tupolev Tu-95 lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng là vào năm 1955, và hoạt động cho tới tận ngày nay với hơn 20 lần nâng cấp trong suốt khoảng thời gian phục vụ trong Không quân Liên Xô và Không quân Nga sau này.
Tháng 11/1952, mẫu thử oanh tạc cơ chiến lược Tupolev Tu-95 thực hiện chuyến bay đầu tiên của mình, đây là loại máy bay ném bom liên lục địa đầu tiên của Liên Xô. Nó được thiết kế và phát triển theo lệnh của Joseph Stalin - Tổng bí thư Đảng Cộng Sản Liên Xô lúc bấy giờ.
|
Máy bay ném bom chiến lược Tu-95.
|
Dễ bị… tàu ngầm phát hiện
Trong giai đoạn đầu của chương trình phát triển Tu-95, đã có các ý kiến về trang bị cho Tu-95 bằng các động cơ phản lực hoặc kết hợp giữa động cơ cánh quạt và động cơ phản lực. Rốt cuộc thì ý kiến thứ hai đã được lựa chọn và trang bị trên những chiếc Tu-95 ta thấy sau này. Mẫu thử nghiệm đầu tiên của chiếc Tu-95 được biết tới với cái tên Tu- 95/1, nó được trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt, mỗi động cơ lắp 2 cánh quạt quay ngược chiều nhau.
Do dùng cánh quạt và có công suất cực cao, nên Tu-95 gây ra tiếng ồn rất lớn đa phần đến từ các động cơ của nó, biến nó trở thành chiếc máy bay ném bom ồn nhất thế giới. Thậm chí nó có thể bị nhận ra bởi hệ thống định vị thủy âm được trang bị trên tàu ngầm.
|
Tu-95 trang bị 4 động cơ tuốc bin cánh quạt Kuznetsov NK-12M kết cấu 2 cánh quạt quay ngược chiều nhau mỗi động cơ cho tốc độ ngang ngửa máy bay phản lực cận âm - 920km/h. |
Ngoài kỷ lục “ồn nhất thế giới”, Tu-95 còn xác lập thêm kỷ lục là máy bay cánh quạt bay nhanh nhất trên thế giới và là máy bay ném bom cánh quạt duy nhất còn đang hoạt động trên thế giới. Tuổi thọ phục vụ của nó ngang bằng với máy bay ném bom B-52 của Boeing. Cả hai đều bay thử lần đầu tiên vào năm 1952 và tiếp tục hoạt động trong lực lượng Không quân của Nga và Mỹ cho đến ngày nay.
Dùng làm chuyên cơ
Tu-95 phát triển và nâng cấp hơn 20 lần trong suốt khoảng thời gian nó phục vụ trong lực lượng không quân. Ngoài ra, nó cũng được dùng để làm nền tảng phát triển mẫu máy bay phục vụ phục vụ mục đích khác.
|
Biến thể chở khách Tu-116.
|
Ví dụ như thiết kế Tu-116 ra mắt vào năm 1957, được thiết kế như một chuyên cơ dành riêng cho các vị lãnh đạo của Liên Xô lúc đó. Chiếc máy bay này về cơ bản là một chiếc Tu-95 với khoang chứa bom được thay thế thành cabin điều áp với chỗ ngồi cho 20 hành khách, với một nhà bếp và một phòng phụ.
Năm 1961, thêm một thiết kế máy bay chở khách đường dài nữa lấy Tu-95 làm nền tảng phát triển, mang tên Tu-114. Máy bay được trang bị các cabin điều áp, ngoài ra nó còn có phòng ngủ , phòng bếp và một đầu bếp riêng trên máy bay.
Phục vụ thử “cha của các loại bom”
Tu-95 thường được sử dụng cho các nhiệm vụ thử nghiệm vũ khí hạt nhân và vũ khí nhiệt hạch trong thời gian phục vụ.
Một ví dụ điển hình trong việc sử dụng Tu-95 trong thử nghiệm vũ khí hạt nhân là việc sửa đổi những chiếc Tu-95 thành biến thể Tu-95V, nó được thiết kế cho việc duy nhất là thử nghiệm quả bom nhiệt hạch mang ký hiệu AN602 còn hay được gọi là Tsar Bomba - Cha của các loại bom vào ngày 30/10/1961.
Với trọng lượng hơn 27 tấn thì quả bom này quá lớn để có thể chứa bên trong khoang của máy bay nên các kỹ sư Liên Xô đã thiết kế một thiết bị đặc biệt để có thể mang nó bên ngoài thân của chiếc TU-95V.
|
Tu-95 không chỉ mang được bom hạt nhân mà còn mang được tên lửa hành trình.
|
Chiếc máy bay đã loại bỏ hoàn toàn các cửa sổ trên thân, và khung máy bay của Tu-95V được sơn màu trắng để có thể chống lại sức nóng từ vụ nổ. Tuy nhiên dù đã có các biện pháp bảo vệ nhưng do sức nóng của vụ nổ là quá lớn nên một số bộ phận bằng nhôm trên chiếc TU-95V bị nóng chảy và biến dạng.
Sau các vụ thử hạt nhân, Tu-95V được chuyển sang làm nhiệm vụ vận chuyển “cõng” máy bay. Điển hình, những năm 1970, Tu-95V đã “cõng” khung thân máy bay chở khách siêu thanh Tu-144 từ Moscow đến Novosibirsk.
Hạ cánh thành công trên tảng băng trôi
Trong thời kỳ Liên Xô, Tu-95 được giao nhiệm vụ tuần tra bay chiến đấu và luôn trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu nếu cần thiết, nó có thể triển khai tấn cống phủ đầu vào các mục tiêu chiến lược của kẻ thù tiềm năng, điển hình là Mỹ. Và con đường ngắn nhất để có thể thực hiện nhiệm vụ trên là bay theo đường bay từ Bắc Cực.
|
Tu-95 đã thực hiện thành công các cuộc hạ cánh ở Bắc Cực.
|
Để phục vụ cho mục đích này, một số sân bay quân sự đã được Liên Xô xây dựng trên một số mảng băng trôi lớn ở Bắc Cực. Theo lời kể của cựu binh lái Tu-95 Vitaly Volkov thì đã từng có hai chiếc Tu-95 hạ cánh thành công tại một sân bay như vậy vào năm 1958. Nhưng việc thực hiện việc hạ cánh trên những tảng băng trôi này rất nguy hiểm và chỉ một sai lầm thì cũng có thể dẫn tới thảm họa, theo nhận xét của các phi công khi hạ cánh trên các sân bay này .
Sự cần thiết của những sân bay nổi trên băng biến mất khi những chiếc Tu-95 được cải tiến với khả năng tiếp nhiên liệu trên không giúp chúng thể bay xa hơn mà không cần hạ cánh để tiếp nhiên liệu. Ngoài ra những chiếc Tu-95 còn có nhiệm vụ quấy rối các tàu sân bay của Mỹ.