T-54/55 là thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực huyền thoại do Liên Xô sản xuất từ sau cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2. Đây được xem là mẫu xe tăng sản xuất nhiều nhất trong lịch sử thế giới với tổng cộng 95.000 chiếc, có nguồn tin cho là khoảng 100.000 chiếc (gồm cả các biến thể sản xuất tại nước ngoài) và xuất khẩu tới hàng chục quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Nguyên mẫu T-54 đầu tiên được hoàn thành năm 1946 và được chế tạo lần đầu năm 1947. T-54 liên tục được sửa đổi và cải tiến, và sau khi đã được sửa khá nhiều, nó được đổi tên thành T-55. T-55 ra mắt vào năm 1958 và có đầy đủ mọi sự tinh xảo và cải tiến của serie T-54 mà không có khác biệt căn bản trong thiết kế và hay vẻ ngoài.
T-54/55 được thiết kế với khung gầm gồm năm bánh với một khoảng không gian giữa bánh thứ nhất và bánh thứ hai và không có những trục lăn hồi chuyển. Nó có thân ngắn, tháp pháo hình vòm nằm bên trên bánh xe thứ ba.
Xe có trọng lượng tối đa khoảng 39 tấn, dài 6,45m, rộng 3,37m, cao 2,40m, trang bị pháo nòng xoắn D-10T cỡ 100mm, súng máy đồng trục 7,62mm và một súng máy hạng nặng 12,7mm DShK trên nóc tháp pháo.
|
Đội hình T-54/55 chuẩn bị khai hỏa đồng loạt.
|
Về giáp xe, phần bọc giáp dày nhất ở mặt trước tháp pháo - 205mm (2 hông tháp pháo dày 130mm, sau tháp pháo dày 60mm, đỉnh tháp pháo dày 30mm), trước mặt thân xe dày cỡ 100mm nghiêng 60 độ (2 bên hông thân xe dày 80mm, mặt trên thân xe dày 33-16mm), sàn xe dày khoảng 20mm. Ở dưới sàn xe được bố trí một cửa thoát hiểm khi cần.
Mặc dù, ngày nay T-54/55 được coi là dòng tăng lạc hậu trên thế giới với nhiều nhược điểm, tuy nhiên chúng vẫn được hàng chục quốc gia sử dụng. Rất nhiều đề án nâng cấp cũng được thực hiện giúp T-54/55 thích nghi hơn với chiến trường hiện đại (thay pháo, bổ sung lớp giáp kiểu mới, nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực).
Theo một số nguồn tin, Việt Nam đã có sự hợp tác với Israel nâng cấp các xe tăng T-54/55 lên chuẩn M3 với việc bổ sung giáp, thay pháo 100mm bằng loại 105mm, trang bị thêm khẩu pháo cối 60mm, nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực.