Liên quan đến căng thẳng Trung-Nhật xung quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư, Tạp chí SAPIO của Nhật Bản đã đưa ra giả thuyết khi Trung Quốc chiếm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và làm thế nào để Nhật Bản phản công.
Theo kết quả mô phỏng được tạp chí này đưa ra, nếu hệ thống an ninh Mỹ-Nhật hoạt động bình thường, liên quân Mỹ-Nhật sẽ có được thắng lợi tuyệt đối trong đánh chiếm lại đảo. Tạp chí này còn nhận định rằng, một chiếc tiêm kích thế hệ 5 F-22 của Mỹ có thể hạ gục 20 chiếc máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Trung Quốc và trở về căn cứ an toàn.
Ngay khi bài báo của Nhật Bản được đăng tải thì tờ Inosmi.ru, một trang web liên kết với RIA Novosti và được tài trợ bởi Cơ quan liên bang về báo chí và truyền thông Nga (FAPMC) đã có bài viết đặt câu hỏi về khả năng thực sự của F-22 và liệu nó có thể hạ được 20 chiến đấu cơ của Trung Quốc hay đây chỉ là một động thái “khoe khoang” sức mạnh của Mỹ để kéo họ vào tranh chấp ở Senkaku/Điếu Ngư.
|
Báo Nhật từng cho rằng, một chiếc F-22 có thể hạ gục 20 máy bay chiến đấu của Trung Quốc nhưng thực tế đây chỉ là sự "khoác lác" mà thôi.
|
Bài viết có đoạn, đầu tiên người Mỹ đã nuôi dưỡng sự tự tin của mình cùng máy bay chiến đấu tàng hình. Tuy nhiên, kể từ khi máy bay ném bom tàng hình F-117 bị bắn hạ, thì đến nay Trung Quốc đã có những thiết bị và công nghệ để phát hiện máy bay tàng hình của Mỹ.
Radar của Trung Quốc đủ khả năng để phát hiện dấu vết của tiêm kích tàng hình F-22, thậm chí Trung Quốc sẽ triển khai máy bay chiến đấu của mình để đánh chặn. Với khả năng tàng hình, F-22 có lợi thế so với máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Trung Quốc nhưng không phải là quá lớn.
Thực tế nếu có cuộc xung đột sẽ xảy ra gần lãnh thổ Trung Quốc và các radar ven biển của họ sẽ làm mất đi lợi thế tàng hình của F-22.
So với tên lửa tầm trung SD-10 của Trung Quốc tên lửa AIM-120 mà F-22 mang theo có nhiều lợi thế hơn. AIM-120 vượt trội tên lửa Trung Quốc cả về tầm bắn, độ chính xác và khả năng chống nhiễu. Tuy nhiên, lợi thế về vũ khí trong một trận không chiến giả định này là không nhiều bởi nó còn phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố khác nhau. Máy bay chiến đấu của Mỹ và Trung Quốc sẽ chạm trán nhau ở khoảng cách khá gần nên rất khó khăn để xác định chiến thắng hay thất bại thuộc về máy bay của quốc gia nào.
|
Động thái điều động F-22 đến ĐNA không nằm ngoài mục đích thăm do tính năng của Su-30MKM của Malaysia rất giống với Su-30MKK và MK2 của Trung Quốc.
|
Người Mỹ sẽ không đủ niềm tin vững chắc rằng các máy bay chiến đấu của họ sẽ chiến thắng trong môi trường chiến đấu gần Trung Quốc, nơi đây chỉ có thể là cuộc chiến giữa máy bay chiến đấu Nhật Bản với đối phương mà thôi.
Tính năng của F-22 cung cấp cho nó lợi thế quyết định so với đối phương, khả năng tàng hình cho phép phát hiện và tiêu diệt máy bay đối phương từ bên ngoài tầm nhìn. Nhưng khi chiến đấu trong môi trường mà đôi bên đều nhìn thấy nhau khi đó so sánh về khả năng cơ động của các máy bay chiến đấu thế hệ 4 của Trung Quốc cơ hội chiến thắng của F-22 là không nhiều.
Động thái Washington điều động F-22 đến Malaysia để tập trận chung với tiêm kích Su-30MKM của Malaysia không nằm ngoài mục đích thăm dò các đặc tính kỹ chiến thuật của dòng tiêm kích này. Cần nhớ rằng, Không quân Trung Quốc đang có trong biên chế hơn 100 chiếc tiêm kích Su-30MKK và Su-30MK2, chúng hoàn toàn giống với Su-30MKM của Malaysia.
Một bằng chứng khác cho sự khoe khoang của người Nhật về khả năng của F-22 là ngay cả khi tham chiến cùng 10 máy bay chiến đấu thế hệ thứ 4 của Trung Quốc nó không đủ tên lửa để bắn hạ tất cả các mục tiêu. F-22 chỉ có khả năng mang theo tổng cộng 6 tên lửa AIM-120 được thiết kế để tấn công các mục tiêu ngoài tầm nhìn.
Nếu sử dụng chiến thuật tấn công bí mật, F-22 chỉ có thể bắn tối đa 2 tên lửa từ tầm xa còn lại sẽ phải chiến đấu trong tầm gần. Một kịch bản lý tưởng cho F-22 là nếu nó có thể tiêu diệt được 6 máy bay Trung Quốc bằng 6 tên lửa thì vẫn còn đó 4 chiếc nó phải đối mặt. Khi đó, F-22 chỉ có thể dựa vào khẩu pháo của nó nhưng hiệu quả tiêu diệt mục tiêu với pháo là không cao. Trong hoàn cảnh như vậy, F-22 dễ dàng bị biến thành “vịt quay Bắc Kinh” mà thôi.