Video: "Hồn xiêu phách lạc" nhìn người Chimbu hóa trang thành "xác sống"

Google News

Cảnh tượng ghê gớm này đủ để khiến những người yếu tim không dám tiến sâu vào bộ lạc Chimbu ở Papua New Guinea.

Trên thế giới ngày nay vẫn còn nhiều bộ lạc sống hoang dã và biệt lập, tách khỏi xã hội hiện đại. Mặc dù chỉ là cộng đồng nhỏ, những bộ lạc này đều có các phong tục tập quán rất riêng và đặc biệt.
Hình ảnh ghê rợn trên cho thấy các “xác sống” đang di chuyển.
Khi nhìn kỹ hơn, người xem nhận ra đây là người bình thường, sơn lên mình hai màu trắng đen để giống như bộ xương.
Mặc dù vậy, cảnh tượng ghê gớm này đủ để khiến những người yếu tim không dám tiến sâu vào bộ lạc Chimbu, nằm ở tỉnh Chimbu, Papua New Guinea.
Bộ lạc “xác sống”
Người Chimbu sống ở vùng núi có độ cao lên tới 2.377 m so với mực nước biển. Rất khó để nói chính xác có bao nhiêu người Chimbu, ước tính con số này là khoảng 60.000. Nhưng theo điều tra dân số năm 2011, toàn bộ tỉnh Chimbu có dân số hơn 376.000 người, theo Scribol
Nhiều nhiếp ảnh gia và khách du lịch may mắn đã chụp được các hình ảnh thành viên bộ lạc hóa trang thành bộ xương khi chuẩn bị biểu diễn tại các lễ hội văn hóa. Phong tục độc đáo này ban đầu được dùng để đe dọa đối thủ, ví dụ như các bộ lạc khác, theo Daily Mail.
Video người Chimbu hóa trang thành "xác sống" trong một dự án nhiếp ảnh
Người Chimbu không tiếp xúc với người phương Tây cho đến năm 1934, khi hai nhà thám hiểm Úc Michael Leahy và James Taylor vô tình gặp họ trong một chuyến khám phá. Chính phủ Úc sau đó có nhiều hành động để cố gắng tạo ảnh hưởng và giữ hòa bình trong khu vực.
Thật vậy, cuộc sống của người Chimbu thường hỗn loạn với bạo lực giữa các gia tộc xảy ra do bất đồng và ăn cắp.
Do đó, một trong những mục tiêu chính của chính phủ Úc ở Chimbu là giảm bạo lực.
Video:
Người Chimbu không tiếp xúc với người phương Tây cho đến năm 1934. 
Khi người Úc xây dựng được mối quan hệ nhất định với người Chimbu, một hệ thống tư pháp đã được thành lập. Theo đó, đàn ông sẽ bị nhốt vì vi phạm các tội như giết người. Ban đầu, người dân bộ lạc không phải lúc nào cũng chấp nhận các phán quyết, điều có nghĩa là căng thẳng giữa các gia tộc Chimbu đôi khi tiếp tục sau khi kết án.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn ban đầu, hệ thống tư pháp mới đã giúp giảm số vụ xung đột trong bộ lạc. Tuy nhiên, ngoài điều này ra, người dân Chimbu vẫn gìn giữ các phong tục tập quán khác của mình, ví dụ như truyền thống hóa thành “xác sống” vẫn tiếp diễn đến ngày nay.
Video:
Du khách có thể chứng kiến điệu nhảy "xác sống" tại các chương trình văn hóa ở vùng núi Papua New Guinea. 
Ngày nay, du khách có thể chứng kiến phong tục kỳ quái này tại các chương trình văn hóa được tổ chức ở những ngọn đồi ở Papua New Guinea. Các lễ hội "hát" này là dịp kỷ niệm các nghi lễ và truyền thống của nhiều nhóm địa phương, bao gồm Chimbu.
Trong số các lễ hội hát thường niên của Papua New Guinea là lễ hội ở Goroka và Núi Hagen. Lễ hội Núi Hagen bắt đầu vào năm 1961 trong khi sự kiện Goroka lần đầu tiên diễn ra vào năm 1957. Cả hai chương trình đều chào đón du khách với nhiều phong tục kỳ lạ và thú vị.
Lễ hội Núi Hagen được tổ chức vào giữa tháng 8 trong khi lễ hội Goroka tổ chức sau khoảng một tháng. Khoảng 60 và 100 bộ lạc tham gia lễ hội, bao gồm cả những “vũ công xác sống”. Các tour du lịch cũng thường xuyên đưa du khách đến tham gia để chứng kiến “điệu nhảy xương” vô cùng đặc biệt của người Chimbu.
Cuộc sống của người Chimbu
Mặc dù người Chimbu sống ở khu vực hẻo lánh và khó tiếp cận, bằng chứng cho thấy vùng cao nguyên này có thể đã có người ở từ cách đây 30.000 năm, theo Encyclopedia. Trong khi đó, các nhà khoa học nghĩ rằng hệ thống nông nghiệp tồn tại ở đó trong 8.000 năm.
Người Chimbu phụ thuộc vào nông nghiệp. Khoai lang là cây trồng chính ở đây, chiếm khoảng 3/4 chế độ ăn của người dân địa phương. Các loại thực phẩm khác bao gồm đậu, các loại hạt và trái cây. Trồng cà phê cũng là nguồn thu nhập chính của nhiều người.
Người Chimbu chủ yếu nói tiếng Kuman - một trong hơn 800 ngôn ngữ ở Papua New Guinea. Trên thực tế, cái tên "Chimbu" xuất phát từ từ "simbu" trong tiếng Kuman. Simbu thể hiện sự sợ hãi, được người Chimbu nói khi gặp các nhà thám hiểm Úc lần đầu tiên.
Đàn ông Chimbu là những người chịu trách nhiệm về chính trị và phòng thủ. Họ cũng là trụ cột gia đình. Trong khi đó, phụ nữ chịu trách nhiệm nội trợ và bán sản phẩm tươi sống, thường là rau ở các làng lân cận.
Một trong số những đồ vật có giá trị nhất của một người đàn ông Chimbu là lợn. Một con lợn thường được làm thịt để kỷ niệm các sự kiện như đám cưới, đám ma hoặc khi một em bé chào đời.
Nhìn chung, bất chấp ảnh hưởng của chính phủ Úc trong nhiều năm gần đây và sự xuất hiện của khách du lịch, người Chimbu tiếp tục gìn giữ phong tục và truyền thống được ca ngợi của họ, kể cả “điệu nhảy xương” trông có vẻ đáng sợ với người ngoài.
Theo Trà My/Dân Việt

>> xem thêm

Bình luận(0)