Mới đây, độc giả mạng chia sẻ đoạn video ghi lại cảnh một người đàn ông đang dùng thiết bị chuyên dụng để kiểm tra chiếc bình nóng lạnh vì nghi ngờ bị rò rỉ điện.
Trong lúc kiểm tra, người đàn ông này cũng liên tục cảnh báo về những nguy hiểm mà chiếc bình nóng lạnh bị rò rỉ điện này có thể gây nên.
Anh viết:
- Tất nhiên, điều đầu tiên là hãy tắt máy nóng lạnh trước khi tắm để tránh trường hợp rò rỉ điện.
- Thứ hai, nhà nào dùng bình nóng lạnh đã lâu lên nhớ 2-3 năm phải vệ sinh bình và thay sợi đốt đun nóng một lần, để tránh trường hợp bình quá bẩn sẽ ăn mòn sợi đốt đun nóng gây rò rỉ điện,
- Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là đốt nóng, nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động. Vì thế, không nên bật bình nóng lạnh 24/24 giờ vừa gây tốn điện vừa khiến bình dễ bị hỏng vì hoạt động quá tải và sẽ gây rò điện dẫn đến giật chết người. Chỉ bật bình nóng lạnh trước khi tắm từ 20-30 phút
- Thường xuyên kiểm tra bằng cách dùng bút thử điện quệt thử vào đường ống nước hoặc đưa trực tiếp vào nước. Nếu phát hiện có điện thì ngắt điện và gọi thợ đến sửa chữa khắc phục ngay.
Cuối cùng, khi thấy người người thân bị giật điện do bình nóng lạnh, không nên lao vào cứu mà phải nhanh chóng ngắt cầu giao điện
Sau khi chia sẻ, bài viết và video sở hữu hàng trăm nghìn lượt xem cùng hàng nghìn lượt bình luận. Nhiều người tỏ ra hoang mang, sợ hãi vì hiện tại đang là mùa cao điểm sử dụng bình nóng lạnh.
Được biết, chủ nhân đoạn video này là anh Trần Đức (quê Bắc Ninh), chủ một cơ sở kinh doanh đồ điện lạnh.
Chia sẻ với báo chí, anh Đức cho hay: "Đây là đoạn video rò rỉ điện của chiếc bình nóng lạnh do anh trực tiếp kiểm tra. Thấy nguy hiểm, anh quay lại và chia sẻ để mọi người chú ý đề phòng”.
Anh Đức cũng cho biết, anh vô cùng bất ngờ vì nhận được nhiều ý kiến phản hồi của người xem.
|
Việc cắm điện liên tục khiến cho dây may so, dây dẫn... có thể bị hỏng vì hoạt động quá tải, gây ra rò điện (Ảnh minh họa - Pinterest) |
Được biết, trước đó, dư luận cũng chứng kiến nhiều vụ tai nạn thương tâm do bị điện giật khi sử dụng bình tắm nóng lạnh.
Theo đó, T11/2017, chính quyền thị trấn Tân Kỳ (Tân Kỳ, Nghệ An) cho biết trên địa bàn vừa xảy ra vụ việc thương tâm. Một cháu bé bị điện giật tử vong lúc tắm, bà nội quá sốc tử vong theo.
Trước đó, T4/2016, hai mẹ con một gia đình ở Vũng Tàu cũng bị điện giật từ vong. Tại hiện trường, điện ở bình tắm nóng lạnh vẫn mở.
T1/2014, tại Thanh Thủy, Phú Thọ, ông Đỗ Đình Khôi (SN 1945) và con dâu là chị Phạm Minh Nga (SN 1975) đã bị điện rò rỉ từ bình nóng lạnh truyền theo vòi hoa sen giật tử vong.
Theo một số chuyên gia về điện, nhiều người dân quan niệm sai lầm rằng bình nóng lạnh có rơle tự ngắt thì có thể cắm điện suốt 24/24 giờ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy rơle chỉ có nhiệm vụ điều khiển độ nóng của nước trong bình. Trong quá trình sử dụng, nhiệt độ nước trong bình thấp thì rơle tự động cấp điện; khi nhiệt độ nước cao thì rơle tự động ngắt chứ rơle này không có chức năng bảo vệ chống điện rò rỉ ra nước.
Ngoài ra, nhiều gia đình cũng không chú ý tới việc bảo dưỡng bình nóng lạnh sau một thời gian dài sử dụng. Thực tế cho thấy thiết bị nóng lạnh sau một thời gian sử dụng đều có thể bị ăn mòn, bong tróc gây rò điện.
Mặc dù nhiều model bình nóng lạnh hiện đại đã tích hợp thiết bị chống giật nhưng các chuyên gia vẫn khuyên người dân nên bật bình nóng lạnh trước 10-20 phút, tắt bình rồi mới vào tắm.
Nguyên lý hoạt động của bình nóng lạnh là đốt nóng nên không gây tốn điện trong quá trình khởi động như điều hòa hay tủ lạnh. Chính vì thế, việc bật nóng lạnh suốt ngày gây tốn điện và dễ gây hư hỏng thiết bị hơn là việc khi nào cần dùng thì khởi động thiết bị trong 10-20 phút.