Những khu trọ u ám
Tại Hà Nội, nhà trọ dành cho bệnh nhân mọc lên nhan nhản. Khác với trước đây, nhà trọ cho bệnh nhân bây giờ cũng bình nóng lạnh, chăn ấm, đệm êm, phòng ốc đàng hoàng. Không còn không khí ẩm thấp u ám như ngày nào. Thứ còn sót lại ở những khu trọ này so với ngày xưa đó chính là nỗi buồn man mác. Tôi ghé con ngõ đối diện Bệnh viện K (cở sở Tân Triều) Phan Trọng Tuệ, Thanh Trì, Hà Nội. Gần như ngôi nhà nào từ mặt phố đến mặt ngõ đều treo biển cho thuê phòng trọ. Phải có đến hàng trăm giường trọ cho bệnh nhân tá túc. Đây là khu trọ phần lớn dành cho những bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện K. Chủ xóm trọ tử thần Nam Bích giới thiệu, nhà anh hiện còn trống một số giường. Phòng trọ của anh Nam có cả phòng khép kín và không khép kín. Anh Nam bảo: “Các tầng trên dành cho bệnh nhân còn đi lại được. Tầng dưới, một số không gian chỉ kê giường kéo rèm dành cho người yếu. Phòng khép kín, nội thất giống như nhà nghỉ tôi lấy 150.000 đồng/ngày đêm. Giường kê phía dưới tùy hoàn cảnh mà lấy tiền”.
|
Nước mắt bà Oanh, khi lâm cảnh “đầu bạc khóc đầu xanh”. Ảnh: H.Phương |
Chủ nhà trọ Nam Bích kể rằng không ít lần gặp những bệnh nhân thương tâm quá, anh không lấy tiền. “Vừa rồi có bà cụ, phải cưa cụt cả chân. Thương quá, mình không đành lấy tiền”, anh Nam nói. Có những giường trọ kê sát cửa ra vào, nơi đó chỉ cách vài bước chân người đi đường, tôi bắt gặp những ánh mắt mệt mỏi, có người đã rụng hết tóc ngước nhìn ra ngoài với vẻ mệt mỏi, thật ám ảnh. Đi bộ dọc theo những con hẻm là san sát những tấm bảng đề “Nhà trọ bình dân”, treo trước các quán cơm, các cửa hàng tạp hóa, hiệu thuốc tây… Đây là khu trọ chuyên dành cho bệnh nhân ung thư. Cư dân ở đây đều bị rụng hết tóc do tác động của quá trình xạ trị, hóa trị. Giá thuê trọ khá cao. Thậm chí rất đắt đối với những bệnh nhân nghèo từ quê đến Hà Nội chữa trị. Giá trung bình ở đây 150.000 đồng/ngày đêm, nếu thuê trên 1 tuần thì giảm còn 130.000 đồng/ngày, còn thuê theo tháng thì 3,5 triệu đồng/tháng.
Đau xót cảnh “đầu bạc tiễn đầu xanh”
Mỗi cảnh đời ở đây là một nỗi đau với những trăn trở khôn nguôi. Cách đây độ hơn nửa tháng, khi tôi đến khu trọ này gặp anh Nguyễn Trung Hiếu, quê ở Nghệ An, nuôi cha bị ung thư gan. Lần đó anh Hiếu chia sẻ: “Bệnh đến với bố tôi quá sốc. Ông mới 62 tuổi, khỏe mạnh, thấy đau ở bụng tôi đưa ông ra Hà Nội khám. Xét nghiệm xong bác sỹ bảo bố tôi bị ung thư gan. Chỉ sau hai đêm thức trắng tóc bố tôi lấm chấm bạc, mặc hốc hác vì suy sụp tinh thần”. Cũng lần trò chuyện đó, anh Hiếu cho biết vì bệnh tình biến chứng quá nhanh khiến dự định đám cưới của anh vào giữa năm nay phải gấp rút tổ chức sớm. Mới đây, tôi trở lại xóm trọ hỏi thăm cha con Hiếu. Chủ trọ bảo: “Ông Nhu (bố Hiếu) mất rồi”. Tôi lặng người, hình ảnh ông Nhu nén đau dặn con sớm tổ chức lễ cưới ám ảnh trong đầu. Tôi hỏi bà chủ nhà trọ: “Hiếu đã làm đám cưới chưa?” Bà nhìn tôi, nói: “Hình như chưa”.
Tình cảnh của cha con Hiếu làm tôi nhớ đến người phụ nữ đầy khổ đau tên là Phạm Thị Oanh, quê ở thành phố Nam Định. Dịp gặp bà là lúc người con thứ 2 của bà đang bị bạo bệnh. Trước đó, người con út của bà đã qua đời vì nghiện hút. Bà Oanh tâm sự: "Đã hơn 1 lần đi xin đất ở nghĩa trang cho con. Ai đời người già hai thứ tóc lại đi lo hậu sự cho con cái. Chua xót lắm chứ, mấy lần nó đòi chết, uống trộm thuốc ngủ rồi ấy chứ". Hàng chục năm trước, vì con, không một đêm nào người đàn bà bất hạnh này được ngủ tròn giấc. Đêm khuya thì phải cháo, thuốc thang cho con. 4 rưỡi sáng bà lại phải tỉnh giấc để đun mấy ấm chè xanh sáng ra đầu chợ kiếm từng đồng. Chồng bà ở quê già hơn 70 tuổi phải ra đầu phố bơm xe. Bà bảo: “Người ta bơm máy, ông nhà tôi già cả bơm tay”. Chuyện buồn “đầu bạc khóc đầu xanh” ám ảnh mãi…
Sau những giờ khám và chữa bệnh thì các bệnh nhân sẽ về xóm trọ nghỉ ngơi. Thấy có người lạ đứng trước cửa phòng, một người đàn ông đã rụng khá nhiều tóc mời tôi vào phòng chơi. Anh rôm rả trò chuyện khiến tôi cứ tưởng đó là người nhà đi chăm bệnh nhân. Anh tên là Hồ Văn Hưng ở Hải Ninh, Tĩnh Gia, Thanh Hóa. Anh Hưng mới ngoài 40 tuổi nhưng trông già hơn rất nhiều so với tuổi. Anh đã điều trị ở đây 4 tháng và tiếp tục phải truyền hoá chất một đợt nữa. Anh Hưng kể: "Bệnh K hạch của tôi khiến hạch nổi khắp người và đau đến mức muốn chết cho khỏe. Giờ được ngày nào sống với vợ con vui vẻ ngày đấy. Đau lúc nào thì hay lúc đó, khỏe là phải yêu đời". Những đợt điều trị trước anh đã mất gần 80 triệu, nhưng nếu không tia xạ, truyền hoá chất thì hạch bệnh sẽ chạy khắp người. Dường như đã chấp nhận hiện thực và cũng là để động viên vợ con nên anh Hưng không u sầu và chán chường nữa.
Câu chuyện anh Nuôi ở Vĩnh Phúc xuống Hà Nội chữa bệnh khiến bao người rơi nước mắt. Anh Hưng đưa tay chỉ về phía cuối ngõ, bảo: “Trước đây, có ông Nuôi nhiều tuổi hơn tôi. Vì thương bố mà các con ông ấy rao bán đất đai nhà cửa lấy tiền chữa bệnh cho bố. Ông Nuôi biết được can ngăn con. Mỗi lần lên cơn đau ông cầu xin vợ cắm điện cho ông được chết cho đỡ đau và đỡ phải bán đất. Biết ông có ý đồ ấy nên cứ phải có 2 người trông. Thế rồi ông cũng ra đi, mà đất đai nghe nói cũng phải bán”. Ông Nuôi trước khi nhắm mắt xuôi tay, dặn dò vợ con thỉnh thoảng đi kiểm tra sức khỏe tổng thể chứ đừng để khối u phát đau như ông mới đi bệnh viện thì quá muộn.
Những số phận, những kiếp người với đủ các loại bệnh nan y đang hành hạ dày vò người bệnh. Có người chúng tôi gặp, họ tuyệt vọng nhưng cũng có người vẫn hy vọng về sự sống. Nhưng một điều đắng đót chúng tôi nhận được từ một vài người đang mắc trọng bệnh là họ lo lắng cho căn bệnh ung thư ngày càng nhiều người mắc.
Mời quý độc giả xem video Cận cảnh khối u vòm họng: