Đây là chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) với 28 nước thành viên. Ông Manuel Barroso cho rằng, chuyến thăm sẽ thúc đẩy tiến triển đàm phán Hiệp định Thương mại tự do được khởi động từ năm 2012, mốc quan trọng thứ hai trong mối quan hệ Việt Nam - EU.
Trong vòng một tháng, đã có hai lãnh đạo cấp cao của Liên minh châu Âu thăm Việt Nam là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Barroso và Phó Chủ tịch Chatherine Ashton. Điều này cho thấy, quyết tâm tăng cường mối quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam - EU. Trước đó, vào tháng 1 năm 2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã có chuyến thăm đầu tiên tới Liên minh châu Âu.
Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam hy vọng, chuyến thăm của ông Barroso là cơ hội để thúc đẩy đàm phán Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU
Đại sứ Franz Jesssen - Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nói: “Chuyến thăm lần này là cơ hội tốt để Chủ tịch Barroso trao đổi với Thủ tướng Việt Nam nhằm khẳng định tầm quan trọng của mỗi bên, tháo gỡ những bế tắc trong đàm phán Hiệp định và là lúc để hai bên thể hiện quyết tâm hợp tác của mình. FTA là một thỏa thuận đầy tham vọng, song tôi tin về khả năng hoàn thành vào cuối năm nay".
Khi FTA được ký kết sẽ mang lại lợi ích nhiều hơn nữa cho quan hệ thương mại, đầu tư, cũng như tạo việc làm cho cả hai bên. Năm 2013, quan hệ thương mại hai chiều đạt gần 34 tỷ USD và 6 tháng đầu năm nay đạt trên 17 tỷ USD, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2013.
Khi Hiệp định được ký kết, những hàng hóa vốn là thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam sẽ được giảm thuế rất lớn, thay vì EU đưa ra các điều kiện áp đặt theo từng năm như hiện nay. Hiện EU là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam và đứng thứ hai về đối tác thương mại song phương.
Ông Bùi Huy Sơn - Cục trưởng Cục xúc tiến Thương mại, Bộ Công Thương cho biết: “Việt Nam đang được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan phổ cập của Liên minh châu Âu, trên 40% hàng xuất khẩu được hưởng ưu đãi này. Tuy nhiên, đây là cơ chế song phương do EU hoàn toàn tự quyết định và có thể bị thay đổi, trên thực tế đã bị điều chỉnh trong những năm vừa qua.
Tuy nhiên, sau khi ký được Hiệp định thương mại song phương với một khuôn khổ cam kết mang tính pháp lý, ràng buộc và ổn định thì có ít nhất là 90% hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ được miễn thuế (thuế suất 0%). Đây là cơ hội rất lớn với hàng xuất khẩu của Việt Nam”.
EU hiện là nhà cung cấp các khoản viện trợ không hoàn lại lớn nhất cho Việt Nam. Giai đoạn 2014-2020, EU cam kết viện trợ 400 triệu Euro cho Việt Nam, tăng 30% so với giai đoạn 2007-2013 và chuyến thăm của Chủ tịch EU Barroso đến Việt Nam lần này được chờ đợi sẽ thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại.