Theo báo Inquirer (Philippines) ngày 26/7, Bộ Ngoại giao Philippines thông báo trong hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU tại Bỉ (ngày 22 và 23/7), Ngoại trưởng Philippines Albert Del Rosario đã kêu gọi EU và ASEAN ủng hộ nỗ lực của Philippines để tranh chấp biển Đông được giải quyết trên cơ sở luật pháp.
Tại hội nghị, Cao ủy EU Catherine Ashton khẳng định EU ủng hộ quyền tìm kiếm giải pháp giải quyết tranh chấp biển Đông phù hợp luật pháp quốc tế. Trong đó có giải quyết tranh chấp qua cơ chế pháp lý. Bà đề nghị các bên không có hành động đơn phương đe dọa, cưỡng ép hay dùng vũ lực để khẳng định chủ quyền.
|
Quan điểm của Mỹ là bất kể giải pháp giải quyết tranh chấp là gì thì cũng phải là giải pháp công bằng, không để Việt Nam, Philippines và các nước nhỏ bị TQ lấn át. |
Hội nghị đã yêu cầu các bên liên quan đến tranh chấp biển Đông thực hiện nghiêm túc Tuyên bố ứng xử của các bên ở biển Đông và nhanh chóng hoàn thành Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông. Dự kiến trong chuyến thăm Philippines vào tuần tới, bà Catherine Ashton sẽ bàn đến tình hình căng thẳng ở biển Đông.
Trong khi đó, tạp chí Diplomat (Nhật) ngày 26-7 đưa tin trong khuôn khổ tám ngày đến châu Á-Thái Bình Dương giám sát các dự án do Quỹ Clinton hỗ trợ, ngày 25-7, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã đến Trung Quốc (TQ) dự hội nghị do Công ty Xây dựng tư nhân Pacific Construction Group (TQ) tổ chức ở Quảng Châu.
Tại hội nghị, Chủ tịch Pacific Construction Group Yên Kiệt Hòa đã hỏi quan điểm của ông Bill Clinton về tranh chấp của TQ ở biển Hoa Đông và biển Đông. Ông Bill Clinton nhận định trong tranh chấp biển Đông, TQ là nước lớn tranh chấp với các nước nhỏ và yếu hơn, vì thế quan điểm giải quyết tranh chấp thông qua thương lượng song phương của TQ là không công bằng.
Theo ông, quan điểm của Mỹ là bất kể giải pháp giải quyết tranh chấp là gì thì cũng phải là giải pháp công bằng, không để Việt Nam, Philippines và các nước nhỏ bị TQ lấn át. Trả lời hãng tin CNN (Mỹ) hôm 21-7, ông cho rằng điểm khác biệt giữa Mỹ và TQ là Mỹ nhận thấy cần phải có các diễn đàn đa phương thì TQ lại muốn giải pháp song phương để các nước nhỏ không có cơ hội đấu lại.