Hình thức nào để răn đe việc trốn, nợ đóng BHXH?

Google News

(Kiến Thức) - Trong những năm gần đây, các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT đang gia tăng với tính chất ngày càng phức tạp, tinh vi.


Các hành vi vi phạm này không chỉ gây thiệt hại đến quỹ BHXH, BHYT, mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới những quyền quyền lợi thiết yếu của người lao động. Vì vậy, việc xử lý hình sự đối với tội danh trốn đóng BHXH và BHYT cần được đưa vào bộ Luật hình sự trong thời gian sớm nhất để tăng thêm sức mạnh, đủ tính răn đe đối với các doanh nghiệp, cá nhân chây ỳ nợ đọng loại hình này.
Theo thống kê của BHXH Việt Nam, tính từ năm 2007 đến hết năm 2013, số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp luôn tăng cao. Cụ thể, năm 2007 số nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 1.734 tỷ đồng; đến hết năm 2013 tổng số nợ là trên 6,4 nghìn tỷ đồng (trong đó, nợ BHXH bắt buộc trên 4,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,34% tổng số phải thu); tính đến 31/08/2014, tổng số nợ là trên 11,5 nghìn tỷ đồng.
 Phạt hành chính, khởi kiện không đủ sức răn đe trốn, nợ đóng BHXH.
Ông Trần Đình Liệu, trưởng ban Thu, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Như chúng ta đã biết nghĩa vụ của người sử dụng lao động và người lao động phải đóng vào BHXH, BHYT. Căn cứ vào khi người chủ sử dụng lao động đóng BHXH, BHYT thì cơ quan BHXH mới có trách nhiệm để giải quyết chính sách cho người tham gia BHXH. Khi nghĩa vụ này chưa được đóng vào quỹ BHXH, BHYT đương nhiên quyền lợi người lao động đang bị xâm hại nghiêm trọng."
Để khắc phục tình trạng vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, ngành BHXH đã áp dụng triệt để và đồng bộ nhiều giải pháp. Tuy nhiên, việc chế tài xử phạt về vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT hiện nay còn thiếu tính răn đe nên chưa phát huy được hiệu quả.
Ông Đỗ Văn Sinh, phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: "Chúng tôi dùng rất nhiều biện pháp tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử phạt hành chính thậm chí khởi kiện ra tòa nhưng vẫn không giảm được. Và như thế thì ảnh hưởng cực kỳ lớn đến người lao động. Bây giờ chúng tôi cũng đã xử phạt rất nhiều nhưng thậm chí tiền các đơn vị xử phạt hành chính thôi cũng không thu được."
Dù đã có chế tài xử phạt các hành vi nợ BHXH, BHYT, từ Nghị định 38, Nghị định 47 đến Nghị định 95 thì mức phạt cũng rất thấp, tối đa 75 triệu đồng. Vì vậy, nếu giữ mức xử phạt hành chính đối với vi phạm BHXH, BHYT thì khó giải quyết tình trạng trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT;
Ông Mai Đức Chính, phó chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam cho biết: "Chậm đóng rồi vi phạm nghĩa vụ về BHXH, BHYT là đang rất trầm trọng. Hiện nay các quy định của pháp luật mới chỉ có các biện pháp xử phạt hành chính, và khởi kiện dân sự của cơ quan Bảo hiểm xã hội và các hình thức đó có lẽ là không đủ sức răn đe. Tổng liên đoàn LĐVN đã kiến nghị với Chính phủ là chuẩn bị sửa Bộ luật Hình sự thì cần đưa tội danh trốn đóng BHXH và chiếm đoạt tiền đóng BHXH của người lao động vào tội hình sự."
Việc bổ sung tội danh liên quan về BHXH, BHYT vào Bộ Luật Hình sự (sửa đổi) là biện pháp mạnh, mang tính răn đe nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của các doanh nghiệp, cá nhân. Đồng thời nó còn mang ý nghĩa lớn trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, góp phần bảo đảm An sinh xã hội trong giai đoạn hiện nay.
Vương Long/Theo ANTV

Bình luận(0)