- Là chuyên gia có nhiều năm nghiên cứu những vấn đề liên quan đến Biển Đông, ông nghĩ gì về việc Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc đặc quyền kinh tế của Việt Nam?
Suốt dọc khu vực này có rất nhiều tài nguyên và chúng thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không phải của Trung Quốc. Khi Việt Nam tham gia các Công ước Quốc tế trên vùng biển này thì rất nhiều các công ty của Trung Quốc không muốn tuân theo những quy định đó. Trên thực tế, đây là một vấn đề rất nghiêm trọng, khi giàn khoan bắt đầu được vận hành sẽ khó cho Việt Nam có thể thay đổi được tình hình.
- Trên bình diện quốc tế, Chính phủ Việt Nam cần phải làm gì trong thời gian này?
Việt Nam cần phải bám vào luật pháp quốc tế và phải rút ra bài học từ phía Philippines, xem xét kỹ hơn vấn đề này sẽ ảnh hưởng như thế nào, tự đưa ra những hướng đi khác nhau.
Nhưng trong lúc này, Việt Nam không nên phản ứng ngay lập tức là sẽ làm gì. Việt Nam cũng nên tận dụng việc đồng thuận của một số nước và kêu gọi họ tham gia vào vấn đề này và tiếp tục giữ quan điểm của mình.
- Trước đây, "đường lưỡi bò" mà Trung Quốc đưa ra đã gặp phải sự phản đối của cộng đồng quốc tế và rõ ràng rằng Trung Quốc đang có những ý đồ đằng sau sự việc này cũng như những vụ việc đã từng xảy ra trước đây. Ý kiến của ông như thế nào?
Đây rất có thể là cách mà Trung Quốc muốn thử phản ứng của các nước. Tôi rất bất ngờ vì mối quan hệ Việt Nam - Trung Quốc trong những năm gần đây rất tốt, thậm chí là ở mức cao.
Việt Nam cần xác định rõ đứng sau vụ việc này là chính phủ Trung Quốc hay chỉ là công ty dầu khí và lý do gì họ lại làm như vậy trong thời điểm này? Chiến lược dài hạn của Trung Quốc là không đối thoại, rất có thể đây cũng chỉ là hành động mà Trung Quốc muốn gây sức ép trong khu vực.
Liên quan đến việc Trung Quốc tuyên bố đưa giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hiện nay Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức phản đối và cho rằng đây là hành động vi phạm nghiêm trọng Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982.