Video: Thai nhi hát trong bụng mẹ:
Các nhà khoa học tại trung tâm nghiên cứu Institut Marques ở Barcelona, Tây Ban Nha vừa công bố một phát hiện thú vị, đó là phát hiện thai nhi "hát" trong bụng mẹ. Đó là thai nhi 16 tuần tuổi đã có khả năng phát hiện âm thanh, hơn nữa, chúng còn phản ứng lại âm thanh đó bằng cách cử động miệng và lưỡi của chúng.
Tiến sĩ Marisa Lopez-Teijon, người đứng đầu viện nghiên cứu cho biết: "Như thể chúng đang cố gắng để nói chuyện hoặc hát”.
Các nhà nghiên cứu đã sử dụng một thiết bị có tên là Babypod nhằm giúp các bà mẹ có thể bắt đầu kích thích kỹ năng giao tiếp cho thai nhi của họ trước khi chúng được sinh ra.
Thí nghiệm được thực hiện trên phụ nữ mang thai giữa tuần thứ 14 và thứ 39 của thai kỳ. Các nhà khoa học đã sử dụng siêu âm để quan sát phản ứng của thai nhi khi nghe nhạc.
Thiết bị được đặt lần lượt ở bụng và âm đạo của thai phụ. Thai nhi được nghe nhạc của Bach.
Trước khi bắt đầu nghe nhạc có khoảng 45% số thai nhi cử động đầu và chân tay, trong khi 30% chuyển động miệng hoặc lưỡi, và 10% không biểu hiện gì.
Khi tiếp xúc với âm thanh phát ra thông qua thiết bị babypod được đặt vào âm đạo, 87% thai nhi phản ứng, cử động đầu và chân tay, kèm với đó là miệng và lưỡi chúng chuyển động. Khi âm nhạc dừng thì chúng cũng dừng theo.
Hơn nữa, 50% thai nhi phản ứng rất rõ rệt, hàm và lưỡi chúng chuyển động mạnh như thể chúng đang cố nói hoặc hát theo.
Trong khi đó, khi đặt babypod trên bụng mẹ thì không có quá nhiều thay đổi trên khuôn mặt của thai nhi. Điều thú vị hơn nữa là những thai nhi song sinh có những biểu hiện tương tự nhau.
Tiến sĩ Marisa Lopez-Teijon cho biết: "Chúng tôi nhận thức được và nhận ra tầm quan trọng của việc nói chuyện với trẻ sơ sinh từ lúc chúng sinh ra là để thúc đẩy sự phát triển trí não. Bây giờ chúng tôi có cơ hội tuyệt vời để làm điều này sớm hơn nhiều, đó là một bước tiến rất lớn."
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Ultrasound.