Việt Nam ứng phó thế nào với dịch Mers-CoV?

Google News

(Kiến Thức) - Dịch bệnh Mers-CoV đã gây ra cái chết của hàng ngàn người trên thế giới. Ngành y tế Việt Nam đã làm gì để ứng phó với dịch bệnh này?

Đây là chủ đề của tọa đàm, trao đổi với Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng - Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP HCM trong chương trình “Góc nhìn An ninh thế giới”, phát sóng lúc 20h45 ngày Chủ nhật, 12/7/2015 trên kênh ANTG (Truyền hình An Viên).
Dịch Mers có nguồn gốc từ khu vực Trung Đông. 
Sau các dịch bệnh nguy hiểm gây chết người như SARS, Ebola trên thế giới, giờ đây dịch Mers–CoV đang là nỗi ám ảnh cho người dân trên thế giới về một dịch bệnh có khả năng lây lan và hết sức nguy hiểm. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, ca bệnh dính virus Mers đầu tiên dẫn đến tử vong là ở Ả rập Xê út vào năm 2012. Tính đến nay, trên thế giới đã có khoảng 434 người chết vì dịch bệnh Mers với tỉ lệ tử vong là 30% - 40% nếu nhiễm bệnh. Tỉ lệ này ngang bằng với dịch SARS cách đây 13 năm. 
Các nhà nghiên cứu tìm thấy một số kháng thể chống lại dịch Mers trong loài dơi, lạc đà ở châu Phi từ năm 1992. Do đó, các nhà khoa học cho rằng, virus Mers đã tồn tại trong lạc đà từ nhiều năm trước khi lây lan sang người vào năm 2012. Các nhà khoa học cũng tìm ra nguyên nhân lây lan dịch bệnh từ lạc đà sang người là từ nước miếng, nước tiểu, phân, sữa lạc đà không tiệt trùng. Virus này cũng lây lan từ người sang người qua dịch cơ thể của người bệnh. Virus này có thể ủ bệnh trong người bệnh nhân từ 5 ngày đến 2 tuần trước khi các triệu chứng bệnh xuất hiện. Thường sau 4 ngày, người bệnh phải nhập viện vì suy kiệt và có thể sau 11 ngày sẽ tử vong.
 Lạc đà được xem là nguồn gốc lây bệnh Mers sang người.
Những người bị bệnh phổi, tim mạch, tiểu đường dễ phát triển các triệu chứng Mers. Hiện tại, giới y học chưa sản xuất được loại vắc-xin nào chống Mers, nhưng ngành y tế các nước đã chữa trị được nhiều bệnh nhân bằng liệu pháp hỗ trợ chống lại các triệu chứng của dịch bệnh. 
Sau khi xuất hiện năm 2012 tại Ả rập xê út, dịch bệnh Mers-CoV đã lây lan sang các nước khác và sang cả châu Á, trong đó nhiều nhất là Hàn Quốc. Bộ Y tế Hàn Quốc cho biết, đến nay đã có 169 trường hợp nhiễm dịch bệnh Mers được phát hiện. Virus Mers cũng đã xuất hiện ở nhiều nước châu Á khác như Trung Quốc, Đài Loan và mới đây là Thái Lan. 
Kiểm tra hành khách nhập cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất. 
Trong khi đó, tại châu Âu dù dịch bệnh chưa lây lan nhanh nhưng đã có 1 người Đức tử vong vì dịch bệnh nguy hiểm này. Như vậy, tính đến nay, Mers-CoV đã xuất hiện ở 26 quốc gia trên thế giới. Trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không ít người lo lắng Mers sẽ trở thành dịch bệnh giống như SARS và Ebola trước đây. 
Theo bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Mers là dịch bệnh hết sức nguy hiểm, nó gây ra bệnh từ nhẹ đến nặng và khi người bệnh bị viêm đường hô hấp thì sẽ dẫn đến suy hô hấp, suy thận, suy đa phủ tạng và có thể dẫn đến tử vong. Về cơ chế, dịch bệnh Mers-CoV này lây lan qua đường hô hấp và những trường hợp tiếp xúc gần. 
Với khả năng lây lan nhanh và hết sức nguy hiểm, ngành y tế Việt Nam đã làm gì để hạn chế và phòng ngừa dịch bệnh này. Mời các bạn đón xem chương trình “Góc nhìn An ninh Thế giới” với chủ đề “Virus tử thần Mers-CoV và câu chuyện ứng phó tại Việt Nam”, phát sóng lúc 20h45 ngày 12/7/2015 trên kênh ANTG.
Vinh Sơn

Bình luận(0)