Cụ thể, Nunta Duangleang, 23 tuổi, đang ăn tối với bạn tại nhà ở Mueang Trang, Thái Lan, thì con rắn hổ mang chúa dài hơn 6 mét trườn vào nhà làm gián đoạn bữa ăn.
Con rắn độc lao về phía Nunta từ dưới ghế sofa khiến mọi người hoảng loạn, lập tức bỏ chạy ra ngoài. Nunta cho biết, đây là con rắn lớn nhất cô từng thấy.
Sau khi nhận được thông báo, nhóm giải cứu rắn đã đến hiện trường. Khi các nhân viên cứu hộ bước vào, con rắn hổ mang chúa khổng lồ đang cuộn mình trên ghế sofa. Có thể nghe thấy tiếng trẻ em la hét phấn khích khi con rắn hổ mang được kéo ra khỏi tòa nhà. Hơn 500 dân làng cũng đổ xô đến hiện trường để xem con rắn độc khổng lồ.
Sawai Keaowjeu, người đứng đầu nhóm giải cứu cho biết, đây là con rắn lớn nhất và nặng nhất mà đội của ông từng xử lý trong hơn 10 năm.
"Phải ba người chúng tôi mới khiêng được con rắn ra ngoài. Nó có thể nặng 20kg trở lên. May mắn là không ai bị thương", Keaowjeu kể lại. Được biết, con rắn đã được thả lại khu rừng cách đó vài dặm.
Rắn hổ mang phân bố chủ yếu trong các vùng rừng nhiệt đới trải dài từ Ấn Độ đến Đông Nam Á. Đây là loài rắn độc dài nhất thế giới, với chiều dài tối đa ghi nhận được trong tự nhiên là khoảng 7 mét.
Chúng nổi bật với chiếc mũ trùm đầu, con ngươi tròn, vảy mịn và tư thế vươn cao, nhìn thẳng vào mắt người. Khi đối đầu, chúng nâng 1/3 cơ thể lên khỏi mặt đất. Tiếng rít cảnh báo của chúng gần giống tiếng gầm gừ của loài chó.
Mặc dù có kích thước to lớn và nọc độc thần kinh cực mạnh, rắn hổ mang chúa thường lẩn tránh con người và chỉ tấn công nếu cảm thấy bị đe dọa. Khi gặp nguy hiểm, chúng có thể ngóc đầu lên, dựng đứng 1/3 chiều dài cơ thể và phình mang để cảnh cáo kẻ thù.
Theo Đại học Michigan (Mỹ), người bị rắn hổ mang cắn có thể ngừng thở chỉ sau 30 phút. Chất độc thần kinh của chúng có thể giết chết một con voi. Mặc dù rắn hổ mang có khả năng phun chất độc thần kinh nguy hiểm, chúng thường không chủ động tấn công con người.