Tây du ký là một trong những tác phẩm văn học kinh điển của Trung Quốc, miêu tả hành trình đi Tây Trúc thỉnh kinh đầy gian nan thử thách của thầy trò Đường Tăng. Trong đó, đại đồ đệ Tôn Ngộ Không, với bản tính ngỗ nghịch, ngang tàng nhưng cũng đầy nghĩa tình, đã trở thành một nhân vật được yêu thích bởi nhiều thế hệ.
Trong những chương đầu tiên của Tây du ký, do bất mãn vì không được Thiên đình trọng dụng, Tôn Ngộ Không đã làm ra nhiều chuyện tày đình từ trộm Đào tiên, ăn cắp Kim đơn (có bản dịch là Kim đan), phá hội Bàn Đào. Khi ấy, Ngộ Không đã có một trận đánh long trời lở đất với Thiên đình cuối cùng bị bắt và áp giải đi hành hình.
Nhưng với bản lĩnh cao cường, Trảm Yêu Đao – sai đao phủ chém đầu, Thiên Hỏa – dùng lửa để đốt và Thiên Lôi Phách – dùng sét đánh cũng không thể làm rụng một chiếc lông của Ngộ Không. Điều này khiến các vị thần tiên vô cùng ngạc nhiên. Thái Thượng Lão Quân đề xuất đưa Ngộ Không vào lò luyện đan để nung thành Kim đơn, nhưng vẫn không giết được Đại Thánh, mà còn khiến y càng mạnh hơn trước.
Tuy nhiên, Tôn Ngộ Không sau đó đã bị Phật Tổ Như Lai giam dưới núi Ngũ Hành sơn. Trước khi Tôn Ngộ Không bị nhốt dưới núi, Phật Tổ Như Lai đã cảnh tỉnh Ngộ Không về sự kiêu ngạo và khuyên Ngộ Không nên tu hành để tránh kết cục bi thảm. Như Lai nói rằng: “Ngươi bất quá một con khỉ thành tinh, sao dám cướp ngôi Ngọc Hoàng Đại Đế? Với Ngọc Hoàng đã tu tới 1550 kiếp, mỗi kiếp đều nhiều năm, ngươi công đức bao nhiêu, mà muốn tranh ngôi báu? Sao ngươi không sợ chết, phải lo việc tu hành, nếu còn làm thói dọc ngang, gặp kẻ đạo cao thì uổng mạng?”.
Ngay đến Như Lai cũng nói như vậy, đủ để chứng tỏ cho dù ông không đến thì Thiên đình vẫn còn người có thể thu phục, thậm chí có thể lấy đi tính mạng của Ngộ Không.
Và trong diễn biến truyện đã chứng minh điều đó, khi Ngộ Không phò tá Đường Tăng đi thỉnh kinh, mới chỉ đụng độ với những thú cưỡi hay tiểu đồng của các vị đại tiên trên Thiên đình nhưng đã phải chấp nhận thất bại cay đắng.