Cuộc sống ngày càng hối hả, con người lướt qua nhau một cách nhanh chóng và vội vàng hơn. Những nụ cười, những câu chào hỏi thân tình, những tiếng xin lỗi - cảm ơn giữa người với người dường như cũng hiếm gặp hơn. Thay vào đó là xu hướng ứng xử bạo lực, cả ở đời thực lẫn trên mạng ảo. Và một điều đáng buồn hơn là xu hướng này lại xuất hiện nhiều hơn ở giới trẻ hiện nay.
Với thời đại công nghệ hiện nay, mạng xã hội không còn là điều xa lạ, điển hình là facebook. Khi chúng ta lướt qua mạng facebook, vào một số trang mạng của giới trẻ, không khó khăn để thấy những dòng comment với những câu từ tục tĩu, khó nghe; những cuộc tranh luận nảy lửa về một vấn đề nào đó kèm theo những lời dọa dẫm, thóa mạ. Người trẻ vô tư chửi nhau bằng những ngôn từ chợ búa chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ trong quan điểm.
|
Những cảnh đánh ghen công khai liên tiếp xảy ra, thậm chí những người
xung quanh còn cổ vũ và quay clip tung lên mạng xã hội để... khoe
|
Đánh ghen - không chỉ có trong cuộc sống thực mà còn xảy ra trên mạng xã hội. Có những người sẵn sàng đăng hình một cô gái bất kỳ với những lời lẽ thóa mạ và còn dọa đánh đập cô ta, phía dưới không ít những comment hùa theo đầy hả hê, chua ngoa.
Gần đây, cộng đồng mạng liên tục rúng động vì những phát ngôn gây sốc của không ít thành viên trẻ tuổi. Có người chửi mắng bố mẹ, thầy cô trên trang cá nhân facebook, có kẻ lập hội kỳ thị vùng miền với những lời lẽ thô tục, vô văn hóa…
Chỉ với từ khóa "hội chửi tục" hay "hội chửi thề" trên Facebook, có rất nhiều kết quả hiện ra. Ở mức độ nhẹ thì có "Hội chửi tục và nói bậy vài câu mỗi ngày", “Hiệp hội chửi thề sổ liên lạc điện tử"… với số lượng thành viên mỗi trang từ hàng trăm tới hàng nghìn.
Vấn nạn này không chỉ xuất hiện trên các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter... mà còn rất phổ biến ở phần bình luận của một số trang như Youtube, trang tin điện tử…
|
Chỉ cần một va chạm giao thông nhỏ, người ta sẵn sàng lao vào đánh nhau, dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. |
Đó là những ứng xử bạo lực trên mạng ảo, còn ngoài đời thực, tình trạng giới trẻ hành xử bạo lực còn gây nhức nhối hơn.
Ở những quán nhậu, nhiều khi chỉ cần vài cốc bia, mấy chai rượu đã khiến những người trẻ dù quen biết hay không quen có thể sẵn sàng ẩu đả, xô xát nhau. Ở trên đường phố, chỉ cần một va chạm giao thông nhỏ, người ta sẵn sàng lườm nguýt, chửi tục, thậm chí lao vào đánh nhau dẫn đến những hậu quả đáng tiếc.
Tại nhiều dịp lễ hội truyền thống thiêng liêng của dân tộc trên khắp cả nước, không khó để nhìn thấy cảnh náo loạn, chen lấn, tranh giành, thậm chí chửi rủa và hỗn chiến, mà những người gây ra chủ yếu là người trẻ, những thanh niên mới lớn đang muốn khẳng định bản thân.
|
Lịch phát sóng chính thức và phát lại của chương trình. |
Xu hướng bạo lực còn diễn ra ngay tại giảng đường trung học hay đại học. Hàng loạt vụ bạo lực học đường, thậm chí học sinh đánh thầy cô giáo thời gian qua đã gây nhức nhối, bàng hoàng trong dư luận.
Không chỉ làm tổn thương người khác mà người trẻ còn làm đau chính bản thân mình bằng những thú vui bạo lực và hành xác như rạch mặt ăn vạ, xăm lột da… lấy nỗi đau làm thú vui tiêu khiển.
Đời sống giới trẻ ngập tràn những ứng xử kém văn hóa, những hành động mang xu hướng bạo lực cao. Nhưng thật may mắn, thực trạng này chỉ diễn ra trong một bộ phận nhỏ giới trẻ và chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào những suy nghĩ trong sáng, tốt đẹp và lối sống, ứng xử lành mạnh của phần đa những người trẻ tuổi – tương lai của đất nước.
Thực trạng bạo lực trong văn hóa ứng xử của giới trẻ nhức nhối như thế nào, nguyên nhân từ đâu, những người trẻ và các nhà văn hóa, xã hội học, chuyên gia tâm lý nói gì…? Tất cả sẽ được trả lời trong phóng sự “Nhức nhối xu hướng bạo lực trong giới trẻ hiện nay” phát sóng lúc 20h15 thứ Hai (23/3/2015), phát lại lúc 9h thứ Ba (24/3/2015) & 15h thứ Tư (25/3/2015). Mời quý vị và các bạn đón xem.