Có thể điểm qua một số thương vụ mua bán, sát nhập đình đám trong thời gian qua: Berli Jucker Plc của Thái đã mua hệ thống 42 cửa hàng FamilyMart tại Việt Nam. Giữa năm 2014, BJC lại tiếp tục mua lại chuỗi siêu thị Metro Cash & Carry Việt Nam với giá 655 triệu Euro. Cũng chẳng bao lâu sau, vào đầu năm 2015, Tập đoàn Central Group mua lại 49% cổ phần công ty sở hữu siêu thị điện máy Nguyễn Kim. Gần đây nhất cũng là sự đánh tiếng của các đại gia Thái Lan mua lại chuỗi siêu thị Big C tại Việt Nam với mức giá gần 900 triệu USD. Theo các chuyên gia, đây không đơn thuần là sự tìm kiếm lợi nhuận từ bán lẻ mà phải hiểu rằng đây là một cuộc xâm lấn của hàng ngoại vào thị trường Việt Nam.
|
Nguy cơ thị trường bán lẻ Việt Nam bị nước ngoài nuốt chửng. |
Trước đây khi chưa có những thương vụ mua bán này, thì những mặt hàng ngoại nhập đã có mặt nhiều tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích của Việt Nam. Chính vì thế, việc thâu tóm mặt bằng bán lẻ sẽ là một bước hoàn thiện cho chuỗi cung ứng hàng hóa từ sản xuất đến phân phối của các đại gia nước ngoài. Và đến khi đó, nguy cơ nhãn tiền là hàng hóa của chúng ta sẽ bị đẩy bật ra khỏi kênh bán lẻ quan trọng này.
Thời gian gần đây, hệ thống chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ của Việt Nam tuy có nhiều cải tiến và được nâng cấp nhưng vẫn thiếu tính chuyên nghiệp, từ công nghệ quản trị chuỗi, tổ chức trưng bày hàng hóa, giá cả thiếu cạnh tranh, nguồn hàng chưa phong phú, đa dạng, mức độ kiểm soát chất lượng hàng hóa chưa đáp ứng yêu cầu, mạng lưới chưa rộng khắp và chưa tương xứng với đa dạng nhu cầu của khách hàng.
|
Thị trường bán lẻ trong nước đang chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhà bán lẻ nội - ngoại. |
Thị trường bán lẻ Việt Nam bộc lộ nhiều khiếm khuyết, nhưng lớn nhất là thiếu tính liên kết giữa các lực lượng tham gia thị trường bán lẻ và thiếu đi một nhạc trưởng trong từng mảng kinh doanh nên các nhà cung cấp mạnh ai nấy rao, nhà bán lẻ mạnh ai nấy bán, cạnh tranh lẫn nhau, dẫn tới tất cả đều phát triển manh mún, thiếu bài bản. Những doanh nghiệp bán lẻ tạo được niềm tin đối với các nhà sản xuất, nhà cung cấp, đảm bảo được nguồn hàng ổn định phục vụ người tiêu dùng không nhiều, chỉ có một vài doanh nghiệp thuần Việt là bước đầu làm được điều đó.
Nhìn nhận ở chiều tích cực thì sự tham gia của doanh nghiệp phân phối bán lẻ nước ngoài sẽ tạo ra sự cạnh tranh của các doanh nghiệp bán lẻ tại Việt Nam, giúp người dân có thêm nhiều lựa chọn. Sự cạnh tranh này sẽ tạo cú hích cho ngành công nghiệp bán lẻ Việt Nam, khiến các doanh nghiệp trong nước cần phải mạnh mẽ hơn, năng động hơn, có động lực hơn để phát triển thị trường bán lẻ theo hướng hiện đại.
Mời các bạn đón xem chương trình “Mặt bằng bán lẻ về tay ngoại: Lợi bất cập hại” phát sóng trong dải giờ “8 giờ 15 phút tối” vào lúc 20h15 thứ Tư (13/4) trên kênh ANTG. Chương trình được phát lại vào lúc 9h00 thứ Năm (14/4) và 15h00 thứ Sáu (15/4) trên kênh ANTG.