Nơi khai thác than lộ thiên với trữ lượng hơn 15 triệu tấn của Công ty TNHH 1 thành viên Than
Khánh Hòa, là đơn vị có thâm niên hơn 60 năm trong lĩnh vực khai thác than khoáng sản, trực thuộc Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc (Vinacomin).
Tuy nhiên trái với kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực khai thác than của công ty, thì đã nhiều năm nay, rất nhiều hộ dân của xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên phải sống chung với cảnh ô nhiễm không khí do khói phát ra từ những điểm cháy “ngầm” tại khu vực bãi đổ thải phía Nam.
Ông Nguyễn Công Trứ - Trưởng xóm 12 xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Cách đây khoảng 6 năm nó
cháy, cháy khoảng 3 năm đã dập 1 lần, sau đó họ đổ tiếp lên, nó lại cháy. Như năm nay xóm tôi có 9 người chết vì ung thư rồi".
Bà Trần Thị Thủy – người dân xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên nói: "Cứ có cơn gió về là mùi khét nó nồng nặc, như chúng tôi ở đây bệnh tật nhiều lắm, ung thư nhiều".
Để tìm hiểu thực hư vấn đề, nhóm phóng viên chúng tôi cùng anh cán bộ xã Phúc Hà vượt qua nhiều sự ngăn cản của bảo vệ công ty để tiếp cận 1 điểm phát cháy. Trên đường đi, anh cán bộ này liên tục nhận được những cuộc điện thoại của 1 người nào đó thuộc công ty than Khánh Hòa.
Trạm bơm mới được lắp đặt để phục vụ cho công tác dập cháy. Với công suất bơm 40m3 khối nước 1h, thời gian hoạt động liên tục 12 tiếng 1 ngày không hiểu hiệu quả chữa cháy của nó sẽ ra sao.
Theo nguyên tắc trong chữa cháy thì tại điểm cháy phải có người ứng trực. Nhưng thoáng thấy nhóm phóng viên, 1 anh công nhân nhanh chóng đi xe máy lên trước để túc trực. Và có những cuộc điện thoại chỉ đạo trước khi tiếp xúc với phóng viên.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện chính quyền xã Phúc Hà cho rằng, việc xảy ra cháy ngầm tại bãi thải của mỏ than Khánh Hòa là có thật. Và việc giải quyết dứt điểm vấn đề thuộc trách nhiệm của phía công ty.
Ông Nguyễn Minh Tuấn –
Chủ tịch xã Phúc Hà, thành phố Thái Nguyên cho biết: "Chúng tôi đã có nhiều buổi làm việc cùng than Khánh Hòa để xử lý dứt điểm đảm bảo an toàn cho người dân nhưng vẫn không được giải quyết".
Mặc dù chính quyền xã Phúc Hà đã có nhiều buổi làm việc với phía công ty TNHH 1 thành viên Than Khánh Hòa về vấn đề trên nhưng xem ra việc giải quyết dứt điểm vấn đề vẫn còn khó khăn.
Với một xã có diện tích 6,4 km2 mà đến gần 50% số diện tích, kể cả đất canh tác của người dân đã phải nhường chỗ để phục vụ cho việc tập kết bãi thải của mỏ than thì những bức xúc của hơn 1000 hộ dân nơi đây là có cơ sở.