Không dừng lại, các đối tượng này còn có thể làm bộ biển số giả như những loại biển số xanh (của Công an), biển số đỏ (của quân đội) và dễ dàng qua mắt các cơ quan chức năng.
Được một anh bạn có máu mặt trong giới buôn lậu giới thiệu, tôi xin vào làm chân phụ xe cho đoàn chuyên nhận chở hàng tạp hóa tại Lạng Sơn. Nhiều đêm dầm mình trên những chiếc xe Suzuki 7 chỗ, dọc ngang tuyến Cao Lộc – Lạng Sơn, tôi tận mắt được chứng kiến khả năng tráo biển và sử dụng biển giả đầy tinh vi của dân buôn lậu.
Theo quy trình, trước khi đi “ăn hàng”, mỗi xe thường trang bị ít nhất 2 bộ biển số trắng giả. Chúng được giấu kín phía dưới các tấm thảm lót sàn, hoặc phía trên mui xe.
Lấy hàng xong quay về, nếu thấy “động”, những chiếc biển số này sẽ được cánh tài xế sử dụng để qua mặt lực lượng chức năng trên từng chặng đường. Và chỉ trong vòng chưa đầy 5 giây, chiếc “quan tài bay” (cách gọi xe chở hàng lậu của cánh tài xế - PV) chở hàng lậu xuôi Lạng Sơn đã lột xác hoàn toàn, sau khi toàn bộ hệ thống biển đã được tráo một cách nhanh chóng.
|
Một số loại biển giả được xe chở hàng lậu sử dụng. |
Để công việc diễn ra nhanh gọn hơn và qua mắt được lực lượng chức năng, biển số các loại xe này thường chỉ được gá hờ vào hai rãnh chế sẵn hoặc hai chiếc đinh vít được gá từ trước.
Theo tiết lộ của một tài xế, điểm nhận dạng loại xe hoạt động trong lĩnh vực này khá dễ. Xe dùng biển giả thường là những biển còn khá mới, độ phản quang tốt. Thêm nữa, biển số sơn hai bên bụng xe thường được cạo sạch có chủ ý.
Thường một đội xe loại này có ít nhất 5 xe trở lên, cứ 2 xe ăn hàng xuôi trót lọt lại có 3 đến 4 xe ngược lên. Trong số đó, ít nhất có 2 xe mang biển số giả.
|
Một xe chở hàng lậu bị lực lượng chức năng phát hiện bắt giữ. |
Cánh tài xế cho hay, những loại xe này dễ dàng vượt qua các chạm chốt của lực lượng chức năng vì đã được “báo luật” từ trước. Tuy nhiên, muốn tăng chuyến và trót lọt, một chuyến phải đổi biển ít nhất 3 đến 5 lần. Nhiều chuyến bị kiểm tra ngặt, xe phải dừng đổi đến chục lần.
Trên một chuyến đi hàng từ Cao Lộc về, lái xe K. (người Hải Dương) cho hay: “Mỗi lần “chim lợn” báo có chốt là phải trốn vào đâu đó an toàn hoặc đổi biển đã “làm luật” rồi mới được chạy. Nói chung hi hữu lắm mới bị bắt vì tất cả được báo chính xác đến từng cen-ti-mét”.
Nhờ những bộ biển giả, biển thật, lúc ẩn lúc hiện, chiếc xe Suzuki chở hàng lậu luôn nằm ngoài tầm kiểm soát của các lực lượng chức năng.
Tuy nhiên, lái xe K. cho biết thêm: “Dù đã “làm luật” theo tháng, mình vẫn phải tạo diễn biến thực thực hư hư để tránh sự theo dõi của phía Công an và quản lý thị trường. Việc này nhằm tăng chuyến, ăn gian so với số lượng đã báo”.
Quá trình tham gia vận tải tôi biết thêm được, tùy vào lượng hàng, cung đường vận chuyển, thời gian hoạt động mà các chủ xe có kế hoạch phân bố lượng xe. Nhưng thời gian thích hợp cho xe lậu dùng biển giả chạy hàng là từ 20h tối đến 2h sáng ngày hôm sau.
“Nói chung đất có thổ công, sông có hà bá, “làm luật” thì làm từng đoạn rồi nhưng vẫn phải nhìn nhau mà sống, quan hệ cộng sinh mà.” - Anh D.N, một lái xe người Nam Định cho hay.
Nói xong, tài xế này không quên dặn dò: “Chú ở gần Hà Nội, bữa nào về anh gửi mua hộ vài bộ biển ở chợ giời, xong chuyển lên cho anh nhé. Bọn anh thường lấy 300 nghìn một bộ dưới đó”.