Lực Cảnh sát Biển Việt Nam là lực lượng bao quát kiểm soát các hoạt động thực thi pháp luật trên phạm vi lãnh hải Việt Nam cũng như các hoạt động phối hợp tìm kiếm, cứu nạn, bảo vệ môi trường trên biển khi có các sự cố xảy ra.
Theo báo cáo của Cảnh sát Biển Việt Nam, liên tục từ đầu năm đến nay, đặc biệt là thời gian thuộc quý II này, có rất nhiều hoạt động vi phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam xảy ra tại khu vực Vịnh Bắc Bộ liên quan đến đánh bắt, khai thác thủy sản trên biển.
Đặc biệt, những ngày đầu tháng 5 cho đến lúc này, tại khu vực Tây Nam đảo Tri Tôn của quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam, phía Trung Quốc đang cho giàn khoan thăm dò di động đến đặt tại vị trí thuộc thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
|
Bộ Quốc phòng làm việc với Cảnh sát Biển về hoạt động chấp pháp trên biển .
|
Đến lúc này, giàn khoan thăm dò đã được định vị, các tàu hậu cần kỹ thuật đã tách khỏi giàn khoan. Phía Trung Quốc liên tục duy trì 51 tàu bảo vệ, tạo thành hàng rào trên phạm vi rộng 7 hải lý xung quanh giàn khoan và thường xuyên có các tàu luân chuyển, thay đổi. Trong số này có cả các tàu quân sự, tàu tác chiến nhanh.
Trên không còn có các máy bay trinh sát bay rất thấp và phía Bắc quần đảo Hoàng Sa, hiện đang có 11 tàu quân sự khác đang thực hiện các hoạt động diễn tập phối hợp và hỗ trợ chi viện xuống khu vực giàn khoan di động.
Các tàu của Trung Quốc hiện đang tạo ra tình hình rất căng thẳng khi sử dụng vòi rồng áp lực mạnh phun nước vào các tàu Cảnh sát Biển, tàu Kiểm ngư của Việt Nam đang làm nhiệm vụ. Các tàu của Trung Quốc thường trực bố trí đội hình 5 tàu khác nhau để cản trở mỗi tàu Cảnh sát Biển Việt Nam, lực lượng Kiểm Ngư mỗi tàu cũng bị 2 tàu của Trung Quốc theo sát và sẵn sàng va chạm gây nguy hiểm hoặc các hình thức khác.
Việc tiếp cận với giàn khoan của Trung Quốc để yêu cầu di dời là không dễ dàng, thời điểm tiếp cận được gần nhất của lực lượng Cảnh sát Biển với giàn khoan là 4 hải lý. Tuy nhiên, phía Trung Quốc sẵn sàng liều lĩnh dùng tàu tải trọng lớn để va chạm gây nguy hiểm nên chưa thể tiếp cận gần hơn với giàn khoan này.
Các lực lượng chấp pháp trên biển của Việt Nam hiện vẫn tiếp tục nhiệm vụ, túc trực thường xuyên với số lượng 31 tàu. Ngoài hoạt động xua đuổi được thực hiện, còn liên tục thông báo hành vi xâm phạm chủ quyền trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam để các tàu của Trung Quốc ý thức rõ hành vi xâm phạm sai trái của mình.