Phải sống trong màn đêm vì mắt không nhìn rõ, cuộc sống sinh hoạt của ông Hoàng Văn Phúng , xã Mường Báng, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng vì "cơm chẳng đủ no, áo không đủ mặc" nên ông đành sống chung với cảnh mù lòa vì không lo nổi chi phí cho việc phẫu thuật.
Ông Hoàng Văn Phúng chia sẻ: "Mắt tôi nhiều năm nay đã không tìm thấy, làm việc nhà phải lần từng bước, nhiều khi phải nhờ hàng xóm xung quanh giúp đỡ. Nếu có chương trình cho tôi mắt sáng trở lại thì tôi hạnh phúc lắm".
Hiện nay, khả năng và tỉ lệ tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nói chung và chăm sóc đặc biệt cho người cao tuổi có chênh lệch giữa các vùng miền, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Theo công bố mới nhất của Bảng chỉ số theo dõi già hóa toàn cầu năm 2014, gần 70% người cao tuổi Việt Nam đang phải làm việc hàng ngày, chỉ có 26% sống bằng lương hưu hoặc 16% người cao tuổi đang nhận trợ cấp xã hội. Hiện đã có 46/63 tỉnh thành đã thành lập khoa lão khoa trong bệnh viện đa khoa tỉnh. Con số đó còn khá khiêm tốn so với việc, hiện nay có khoảng 23% người cao tuổi đang gặp khó khăn với các hoạt động thường nhật, trong đó có 90% cần người hỗ trợ.
Vì vậy, Việt Nam cần thiết phải có các hành động cụ thể nhằm tăng cường hệ thống y tế, dịch vụ y tế, mở rộng các
dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe có chất lượng cho người cao tuổi.
GS. TS Phạm Thắng- Giám đốc
Bệnh viện Lão khoa Trung ương chia sẻ: "tôi nghĩ là không chỉ đào tạo bác sĩ chuyên ngành lão khoa, mà chúng ta còn phải đào tạo điều dưỡng lão khoa, đào tạo người chăm sóc cho người cao tuổi bởi nhu cầu về cái này của xã hội rất là lớn, không chỉ là trong các bệnh viện, các cơ sở dưỡng lão, ở cộng đồng, thậm chí là người thân trong gia đình thiếu các kiến thức đó. Thì chúng ta làm thế nào đào tạo các kiến thức đó đẻ mà chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi".
Theo đánh giá của Qũy dân số Liên hợp quốc, Việt Nam đang ở trong thời điểm dân số vàng, nhưng cùng lúc đó, đất nước cũng đã bước vào giai đoạn già hóa bắt đầu từ năm 2011. Theo các chuyên gia, già hóa dân số mang đến những cơ hội cũng như nhiều thách thức lớn, đòi hỏi các phương thức tiếp cận mới về y tế, tuổi nghỉ hưu và lương hưu, môi trường xã hội và hòa đồng giữa các thế hệ. Tuy nhiên, người cao tuổi nếu như được sự hỗ trợ đúng đắn có thể tiếp tục có những đóng góp quan trọng cho gia đình, cộng đồng và đất nước.
Ông Đàm Hữu Đắc, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Hội người cao tuổi Việt Nam cho biết: "Hàng năm có hàng triệu người được khám chữa bệnh. Và đặc biệt là người cao tuổi nghèo ở những vùng sâu, vùng xa được các cấp các ngành thăm hỏi, động viên kịp thời khi ốm đau. Rõ ràng, mảng chăm sóc, phụng dường người cao tuổi là một trong những nhiệm vụ chính của Hội người cao tuổi. Nên trong mấy năm qua, Hội đã huy động sức mạnh của cả xã hội, tham gia vào các hoạt động này".
Chăm sóc người cao tuổi là công việc thể hiện đạo lý, văn hóa sống của dân tộc, cộng đồng. Nhiệm vụ trước mắt là lâu dài của Hội Người Cao tuổi và cũng là toàn xã hội là thực hiện chương trình hành động Quốc gia về Người cao tuổi giai đoạn 2012 – 2020. Bên cạnh đó, ngành y tế cần tăng cường dịch vụ y tế và mở rộng các dịch vụ chăm sóc người cao tuổi; xem xét hỗ trợ người cao tuổi mắc bệnh hiểm nghèo và 100% chi phí khám chữa bệnh cho người cao tuổi bằng thẻ bảo hiểm y tế từ 80 tuổi trở lên./.
Tại Hà Nội: Kỷ niệm Ngày Quốc tế người cao tuổi 1/10, sáng 1/10, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, Trung ương Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam đã tổ chức Tổng kết “Hành trình vì sức khỏe Người cao tuổi”. Dự chương trình có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ
Y tế, và hơn 200 người cao tuổi và 500 đoàn viên Thanh niên trên địa bàn Hà Nội.
Sau hai tháng triển khai, tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước, "Hành trình Vì sức khỏe Người cao tuổi" đã thu hút sự tham gia của 3 nghìn thầy thuốc trẻ, 5 nghìn đoàn viên thanh niên tình nguyện; tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho trên 32 nghìn 500 người cao tuổi, 500 người cao tuổi được mổ mắt miễn phí. Hành trình diễn ra với những hoạt động: tặng quà cho người cao tuổi, gia đình chính sách, các trung tâm bảo trợ xã hội, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn; khám sàng lọc các bệnh tim mạch, các bệnh chuyên ngành lão khoa cho người cao tuổi; tuyên truyền vận động hiến tạng, hiến giác mạc, tổ chức tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức các hoạt động tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.
Tại chương trình, tổ chức Kỷ lục Việt Nam cũng đã trao Kỷ lục Việt Nam cho Hành trình có số lượng người cao tuổi được khám bệnh, phát thuốc miễn phí lớn nhất Việt Nam.