VUSTA góp ý kiến Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Google News

Cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác và có tính khả thi cao.

Ngày 9/2, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phối hợp với Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức Hội thảo Lấy ý kiến hoàn thiện dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải tham dự và chỉ đạo tại Hội thảo.
Tham dự Hội thảo còn có Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA, các lãnh đạo, thành viên của Ủy ban; đại diện lãnh đạo một số Ủy ban của Quốc hội cùng các chuyên gia...
VUSTA gop y kien Luat Bao ve quyen loi nguoi tieu dung (sua doi)
 Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết: Sau gần 12 năm thực thi, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản hướng dẫn đã góp phần thay đổi mạnh mẽ, đồng thời kiến tạo các nền tảng cơ bản để thúc đẩy công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam. Luật có phạm vi tác động, ảnh hưởng rộng rãi, không chỉ đối với người tiêu dùng mà còn cả cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân kinh doanh cung cấp các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ và các cơ quan tổ chức có liên quan.
Bên cạnh các kết quả tích cực, các quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã bộc lộ những hạn chế, bất cập. Một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn và hệ thống pháp luật hiện hành, trong đó có các quy định quan trọng liên quan đến phạm vi, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, giải quyết tranh chấp về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Do đó, việc hoàn thiện quy định pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (trong đó quan trọng nhất là sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng) làm tiền đề cho việc tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là nhu cầu cấp thiết và cần sớm được triển khai nhằm bảo vệ hiệu quả quyền lợi của người tiêu dùng trong bối cảnh mới.
Tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội Khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở những ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.
Hội thảo được tổ chức nhằm mục đích tạo ra diễn đàn để các đại biểu Quốc hội, các doanh nghiệp, các chuyên gia, các nhà khoa học và Ban soạn thảo trao đổi, thảo luận về những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo về quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Trên cơ sở đó, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan sẽ có thông tin đầy đủ hơn, nhiều chiều hơn, có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội xem xét, quyết định.
VUSTA gop y kien Luat Bao ve quyen loi nguoi tieu dung (sua doi)-Hinh-2
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam. 
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cũng cho biết, từ nhu cầu cấp thiết kịp thời thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Hiến pháp 2013; để phù hợp với sự thay đổi của bối cảnh kinh tế, xã hội, xu hướng hội nhập quốc tế, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm sự đồng bộ và thống nhất trong hệ thống pháp luật Việt Nam, thích ứng với hoạt động của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh mới, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
“Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang nhiều ý nghĩa thiết thực, hy vọng với sự quan tâm chỉ đạo của Lãnh đạo Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những nội dung, ý kiến chỉ đạo của đồng chí Lê Quang Huy, Ủy viên TW Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT vừa trình bày, các nhà khoa học, các vị đại biểu tại Hội thảo sẽ giúp cho việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tốt hơn”, Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.
Tại Hội thảo, các đại biểu tập trung đóng góp ý kiến về trách nhiệm bảo vệ thông tin của người tiêu dùng tránh trùng lặp, chồng chéo với các quy định trong Nghị định Bảo vệ dữ liệu cá nhân; vai trò của cơ quan nhà nước và tổ chức xã hội trong quá trình thương lượng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong việc bán hàng đa cấp...
VUSTA gop y kien Luat Bao ve quyen loi nguoi tieu dung (sua doi)-Hinh-3
 Các đại biểu tham gia đóng góp ý kiến.
Phát biểu kết luận tại Hội thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đánh giá cao những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội, chuyên gia và các doanh nghiệp đối với dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Để dự án Luật trình lên Quốc hội xem xét trong Kỳ họp thứ 5 tới đạt hiệu quả, chất lượng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra dự án Luật cần rà soát về tính đồng bộ của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) với các luật khác và có tính khả thi cao.
Dự án Luật bảo đảm quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân; đánh giá tác động qua quá trình thực hiện luật Luật trong xử lý tranh chấp giữa doanh nghiệp.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị trên cơ sở những ý kiến đóng góp qua các cuộc họp, hội thảo đã và sẽ tiếp tục triển khai, các cơ quan tiếp tục tiếp thu, lắng nghe ý kiến để hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trước khi trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 tới.
Mời quý độc giả xem video: "Đại biểu Trịnh Xuân An (Đồng Nai) đóng góp ý kiến về về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2":

(Nguồn: QHTV)

Thiên Tuấn Nguyễn Hải

>> xem thêm

Bình luận(0)