Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Quốc hội (KHCN&MT) và Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) tổ chức hội thảo “Thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng công nghệ trong phòng, chống và thích ứng với COVID-19”.
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA cùng ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội chủ trì hội thảo.
|
TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch VUSTA phát biểu khai mạc hội thảo. |
Phát biểu khai mạc, TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, với quan điểm sức khỏe của nhân dân là quan trọng nhất, trong thời gian qua, cả hệ thống chính trị đã vào cuộc nhằm chung tay đẩy lùi đại dịch. Các nhà khoa học Việt Nam, các nhà khoa học trong hệ thống VUSTA luôn tích cực đồng hành với Chính phủ, thường xuyên bám sát tình hình dịch bệnh để nghiên cứu, ứng dụng cho ra đời các sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19.
“Hiện các nhà khoa học cũng đang tích cực nghiên cứu, ứng dụng các ản phẩm phòng chống COVID-19 như thuốc đặc trị, điều trị, chế tạo hệ thống khử khuẩn diệt virus công nghệ Plasma; nghiên cứu sản xuất thuốc và các thiết bị điều trị COVID-19, triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội cho người bị ảnh hưởng của đại dịch...” – Chủ tịch Phan Xuân Dũng nói.
Ngoài ra, thời gian qua VUSTA cũng đã tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có hàng chuỗi hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lắng nghe các nhà khoa học chia sẻ kết quả nghiên cứu, những khó khăn, thuận lợi trong quá trình nghiên cứu. Từ đó, đề xuất các giải pháp hữu hiệu nhằm góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện tốt mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa phục hồi và phát triển KTXH trong trạng thái bình thường mới.
|
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội. |
Ông Nguyễn Phương Tuấn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Quốc hội cũng cho biết, Chính phủ, các Bộ ngành, doanh nghiệp đã và đang khẩn trương triển khai Chiến lược vắc xin phòng chống dịch COVID-19, tập trung thúc đẩy hoạt động đàm phán mua vắc xin từ các nguồn trên thế giới, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin trong nước bảo đảm an toàn, hiệu quả nhất, nhanh nhất. Ngoài việc tập trung vào việc tìm nguồn cung cấp vắc xin, các Viện, Trường và doanh nghiệp trong nước cũng tập trung vào lĩnh vực nghiên cứu, điều chế thuốc hỗ trợ, điều trị COVID-19.
Hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển, chuyển giao công nghệ sản xuất thuốc điều trị, hỗ trợ điều trị COVID-19, trong đó có thuốc cổ truyền, trang thiết bị và sinh phẩm y tế được Đảng, Nhà nước chú trọng, đặc biệt quan tâm, là nhiệm vụ trọng tâm của khoa học, công nghệ nước nhà trong thời gian tới.
Tại hội thảo, GS.TS Lê Gia Vinh, nguyên Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký, Ủy viên Thường vụ BCH Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, Chính phủ và Bộ Y tế đã đề ra các biện pháp phòng chống dịch theo nguyên tắc “5K + vắc xin” rất hữu hiệu, giảm tỷ lệ lây nhiễm, tử vong trong cộng đồng.
“Các nước có nền khoa học công nghệ hiện đại và y sinh học tiên tiến đã và đang viện trợ vắc xin, chuyển giao công nghệ sản xuất vắc xin, thuốc và phương tiện phòng chống và điều trị COVID-19 cho các nước kém phát triển hơn với phương châm cả thế giới chung tay, góp sức, đồng lòng ngăn chặn và đẩy lùi dịch bệnh mang tính toàn cầu” - GS.TS Lê Gia Vinh nói và cho biết những phương hướng chuyển giao công nghệ chính hiện nay là sản xuất thuốc kháng thể đơn dòng; sản xuất thuốc kháng virus sau khi có khẳng định kết quả trên thử nghiệm lâm sàng; sản xuất các phương tiện hồi sinh cấp cứu như máy thở oxy, thở máy ECMO, máy lọc thận...với các máy móc, trang thiết bị ngày càng tiên tiến, hiện đại, an toàn và hiệu quả hơn.
|
GS.TS Lê Gia Vinh. |
“Việc thực hiện chính sách, pháp luật về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, sản xuất thuốc điều trị COVID-19, trang thiết bị và sinh phẩm y tế, vai trò của công nghệ và dữ liệu khoa học trong xây dựng, triển khai các biện pháp phòng chống và thích ứng với COVID-19 là chủ trương thời sự, đúng đắn, cấp thiết trong giai đoạn hiện nay” - GS.TS Lê Gia Vinh cho hay.
GS. TS Nguyễn Đức Nghĩa, Viện trưởng Viện Y Dược Nano đánh giá cao vai trò của công nghệ nano trong chẩn đoán và điều trị COVID-19.
“Nanomedicine và các thành phần của nó có thể đóng một vai trò quan trọng trong các giai đoạn khác nhau của phòng ngừa, chẩn đoán, điều trị, tiêm chủng và nghiên cứu liên quan đến COVID-19. Công nghệ kháng khuẩn dựa trên nano có thể được tích hợp vào thiết bị cá nhân để đảm bảo an toàn hơn cho nhân viên y tế và con người. Nhiều vật liệu nano khác nhau như chấm lượng tử có thể được sử dụng làm cảm biến sinh học để chẩn đoán COVID-19.
Công nghệ nano mang lại những lợi ích từ việc sử dụng các hệ thống nano, chẳng hạn như liposome, hạt nano polyme và lipid, hạt nano kim loại và mixen, để bao gói thuốc và tạo điều kiện cải thiện các đặc tính dược lý của thuốc. Các chức năng kháng virus đối với các hạt nano có thể nhắm mục tiêu đến sự liên kết, xâm nhập, sao chép và nảy chồi của COVID-19. Các hạt nano vô cơ liên quan đến độc tính là một trong những yếu tố hạn chế việc sử dụng nó cần được nghiên cứu và sửa đổi thêm. Nanomedicine đã chứng minh được giá trị của nó thông qua ứng dụng phân phối thuốc và cảm biến nano trong các bệnh khác. Để làm được như vậy, trước tiên chúng ta sẽ xem xét bệnh lý của COVID-19 để đặt nền tảng nhằm vạch ra các cơ hội và lỗ hổng trong sinh lý bệnh của loại virus này, nơi có thể sử dụng nanomedicine” - GS. TS Nguyễn Đức Nghĩa lý giải.
|
GS. TS Nguyễn Đức Nghĩa. |
Viện trưởng Viện Y Dược Nano cho rằng, việc phòng chống bệnh do COVID19, ngoài liệu pháp 5K, vắc xin rất cần có loại thuốc đặc trị. Đây không phải là liệu pháp tình thế mà là chiến lược lâu dài, có thể còn quan trọng hơn vắc xin, bởi COVID dễ biến thể, còn trở lại nhiều lần. vắc xin liên tục phải dùng, hao người, tốn của, kinh phí nào chịu nổi, ngay cả ở các nước giàu có.
Phòng chống dịch COVID là trách nhiệm của tất cả mọi người. Các nhà khoa học, nhất là những nhà khoa học có kiến thức cao, sâu rộng, không kể đang làm việc trong biện chế của Nhà nước hay ở ngoài, đều có nghĩa vụ đóng góp trí tuệ của mình. Đồng thời Nhà nước cần quan tâm và giúp đỡ các điều kiện “cần và đủ” cho họ góp phần thúc đẩy quá trình phòng chống dịch nhanh và bền vững.
TTND. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho rằng, dự phòng lây nhiễm là một bước quan trọng trong chẩn đoán và điều trị người bệnh mắc COVID-19, thực hiện theo hướng dẫn chẩn đoán và điều trị của Bộ Y tế. Bên cạnh việc điều trị COVID-19 bằng phương pháp Tây y thì cũng phải áp dụng các biện pháp của Đông y hoặc Đông Tây y kết hợp để mang lại hiệu qua cao nhất.
|
TTND. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh. |
Tại hội thảo, TTND. PGS.TS Đậu Xuân Cảnh cũng đã đưa ra các phương pháp cụ thể của Đông y về dự phòng lây nhiễm đối với tất cả mọi người kể cả người F1 cách ly tại nhà, nơi cư trú, cách ly tại nơi tập trung, phòng và kiểm soát lây nhiễm trong các cơ sở khám, chữa bệnh. Đặc biệt, các bài thuốc Đông y điều trị COVID-19 đã được Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam giới thiệu rất cụ thể.
GS.TS Nguyễn Anh Trí, ĐBQH khóa XV, Chủ tịch Hội Huyết học Truyền máu Việt Nam cho rằng, cần phải giám sát và thông tin cụ thể về tình hình sản xuất vắc xin COVID-19 của Việt Nam. Trong khi COVID-19 liên tục xuất hiện các biến chủng nhưng Việt Nam vẫn chưa thể sản xuất được vắc xin dù đã nghiên cứu rất lâu. Cần phải nhìn nhận khách quan và thẳng thắn về vấn đề này.
|
GS.TS Nguyễn Anh Trí. |
“Những bài thuốc Đông y đã phần nào góp phần hỗ trợ và điều trị COVID-19. Có những bài thuốc, lá xông y học cổ truyền mang lại hiệu quả cao và cần phải được nghiên cứu, đưa vào sử dụng rộng rãi” - GS.TS Nguyễn Anh Trí cho hay.
Nhiều đại biểu cũng cho rằng, cần phải có sự quan tâm hơn nữa về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 bằng Đông y vì thực tế đã chứng minh phác đồ điều trị của những bài thuốc cổ truyền mang lại hiệu quả cao phòng chống dịch. Đồng thời, cần xây dựng mới về quy trình, thời gian sản xuất thuốc, các sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 theo tinh thần “chống dịch như chống giặc” chứ không phải trong tình hình không có dịch bệnh...
|
Nhiều ý kiến đóng góp tại hội thảo. |
TSKH Phan Xuân Dũng cho biết, các ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được chuyển tải tới Ủy ban KHCN&MT Quốc hội và các cơ quan liên quan để đề xuất việc hoàn thiện các cơ chế, chính sách pháp luật góp phần tạo môi trường thuận lợi cho các tổ chức và cá nhân các nhà khoa học nghiên cứu, triển khai thúc đẩy việc sớm có những sản phẩm phòng chống COVID-19 hữu hiệu.