Sáng 2/11, Sở Tài nguyên & Môi trường (TN&MT) TP. Đà Nẵng tổ chức Hội thảo giới thiệu chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” (CCBO) tại Đà Nẵng. Hội thảo được tổ chức theo hình thức trực tuyến, với các điểm cầu như: Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (VASI), Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA), Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam...
|
Bà Dương Thị Nga, Trưởng ban Hợp tác quốc tế Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam phát biểu tại Hội thảo |
Với vai trò là cơ quan chủ quản của một số tổ chức khoa học và công nghệ trực thuộc đã và đang triển khai dự án trong Chương trình CCBO, đại diện VUSTA Bà Dương Thị Nga, Trưởng Ban Hợp tác quốc tế phát biểu trong phiên khai mạc Hội thảo. Theo bà Nga, Liên hiệp Hội Việt Nam có mạng lưới đông đảo các nhà khoa học và tổ chức thành viên trải khắp các tỉnh, thành phố. Một số tổ chức thành viên đã có hoạt động tích cực trong các dự án quản lý rác thải nhựa đại dương như MCD, CECR, Greenhub. Liên hiệp Hội Việt Nam khuyến khích các tổ chức quan tâm nghiên cứu và tham gia chương trình Thành phố Sạch, Đại dương Xanh.
Chương trình “Thành phố sạch, đại dương xanh” được triển khai trong 5 năm (2019-2024) do USAID tài trợ với mục tiêu chống ô nhiễm nhựa đại dương. Chương trình hoạt động trên toàn cầu, nhằm giảm thiểu các nguồn rác thải nhựa trực tiếp đổ vào đại dương, tập trung vào các khu vực đô thị hóa nhanh và các thị trường mới nổi tại châu Á, châu Mỹ La tinh và Ca-ri-bê. Ở Việt Nam, 4 thành phố được lựa chọn triển khai Chương trình gồm Đà Nẵng, Biên Hòa, Phú Quốc và Huế, trong đó Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong 4 địa phương trên cả nước triển khai chương trình CCBO.
|
Quang cảnh hội thảo tại điểm cầu Đà Nẵng |
Cơ chế triển khai thực hiện Chương trình gồm: Hỗ trợ kỹ thuật - nhóm chuyên gia quốc tế về chất thải rắn, kinh tế và quản trị, Hợp tác với địa phương - nhằm nâng cao năng lực và chuyên môn cho cán bộ địa phương; và Gói hỗ trợ toàn cầu của CCBO đầu tư vào các giải pháp địa phương nhằm xây dựng năng lực, thay đổi hành vi, mô hình kinh tế tuần hoàn. Các gói hỗ trợ có giá trị trung bình $50-250k cho các đề xuất, và có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư từ khối tư nhân.