Đại hội lần thứ VII Hội Chăn nuôi VN: Đoàn kết – Đổi mới – Sáng tạo phát triển

Google News

Trước những thay đổi nhanh chóng của ngành chăn nuôi Việt Nam, trong nhiệm kỳ VII (2022-2027) các hội viên của Hội Chăn nuôi Việt Nam cần kề vai sát cánh, đoàn kết với nhau hơn nữa.

Ngày 21/12, Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ VII nhiệm kỳ 2022-2027. TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến dự và chúc mừng Đại hội.
Phát biểu tại Đại hội, TS Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, dịch bệnh, thị trường tiếp tục là những bất cập, trở ngại lớn; cạnh tranh giữa các loại hình kinh tế trong chăn nuôi và giữa sản phẩm chăn nuôi trong nước với sản phẩm nhập khẩu ngày càng quyết liệt hơn, mà lợi thế sẽ nghiêng nhiều về các doanh nghiệp lớn và sản phẩm nhập khẩu.
Dai hoi lan thu VII Hoi Chan nuoi VN: Doan ket – Doi moi – Sang tao phat trien
 Hội Chăn nuôi Việt Nam tổ chức Đại hội Đại biểu lần thứ VII nhiệm kỳ 2022-2027.
"Nếu như chúng ta không có các giải pháp điều tiết kịp thời và hiệu quả, thì mục tiêu phát triển chăn nuôi bền vững khó trở thành hiện thực và lợi thế, đặc thù của chăn nuôi nông hộ ở Việt Nam sẽ không còn", Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam nói và cho rằng không gian chăn nuôi trong nước vốn không rộng, nay đang ngày càng bị thu hẹp, nếu xét về mật độ dân số và mật độ vật nuôi (hay đơn vị vật nuôi/diện tích đất nông nghiệp) thì Việt Nam hiện nay đang thuộc tốp cao nhất của thế giới (với dân số trên 290 người/km2 và 1,2 đơn vị vật nuôi/ha đất nông nghiệp). Là một nước nhỏ mà Việt Nam có số đầu lợn đứng hàng thứ 6 và đàn thủy cầm đứng thứ 2 trên thế giới.
Trong bối cảnh đó, nguồn nguyên liệu, nhất là nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (TACN), vốn đã khan hiếm, ngày càng khan hiếm hơn do áp lực cạnh tranh của các lĩnh vực kinh tế khác, như nguyên liệu cho công nghiệp, đất trồng cây ăn trái, cây dược liệu…Hiện nay, Việt Nam đang phải nhập khẩu trên 70% nguồn nguyên liệu TACN cho nhu cầu tổng thể của vật nuôi và thủy sản; trong đó, chiếm tới 90% nguồn nguyên liệu cho nhu cầu chế biến TACN công nghiệp và con số này chưa có dấu hiệu sụt giảm.
Ngoài giá rẻ và người tiêu dùng trong nước quen dần với thịt đông lạnh, nhất là ở khu vực các bếp ăn tập thể, các cơ sở chế biến thực phẩm đang sử dụng rất nhiều thịt đông lạnh nhập khẩu, thì việc cắt giảm các dòng thuế quan đối với các mặt hàng thịt gia súc, gia cầm theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam kí kết hoặc thừa nhận cũng là những nguyên nhân làm gia tăng các sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu...
Theo TS Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam để thích ứng với những thay đổi của ngành chăn nuôi trong thời gian tới, hoạt động của Hội Chăn nuôi Việt Nam trong nhiệm kỳ mới cần phải có những thay đổi theo hướng chuyên nghiệp và hiệu quả hơn, cụ thể:
Hội sẽ tiếp tục điều chỉnh cơ cấu nhân sự phù hợp với chức năng của Hội theo hướng trẻ hóa, đa dạng và chuyên nghiệp hơn; tăng dần trong thành phần của các tổ chức Hội như BCH, Ban Thường vụ, các ban chuyên môn là những thành viên có liên quan trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực ngành hàng mà Hội làm đại diện
Nội dung hoạt động của Hội sẽ bám sát hơn vào việc hỗ trợ và bảo trợ cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh của hội viên phù hợp với pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế mà Việt Nam ký cam kết, thừa nhận.
Thông qua các hoạt động phản biện xã hội, Hội sẽ góp phần xây dựng hoàn thiện thể chế pháp luật, chính sách phát triển của Nhà nước đến ngành, đến người dân, doanh nghiệp; kịp thời tập hợp những khó khăn, bất cập trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp, nhất là của các hội viên để phản ánh, đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan thẩm quyền tìm giải pháp tháo gỡ.
Đặc biệt, Hội cần chú trọng tăng cường, nâng cao hơn hiệu quả của hoạt động thông tin, truyền thông, đảm bảo yêu cầu: kịp thời, chính xác, đầy đủ về thị trường, thể chế pháp luật, chính sách phát triển, khoa học công nghệ… của lĩnh vực ngành hàng đến các hội viên thông qua các kênh thông tin, như: Tạp chí, Đặc san, website và các hội thảo chuyên đề. Phải thực sự xem hoạt động thông tin, truyền thông là động lực và sức mạnh của công tác Hội.
Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ tăng cường hợp tác giữa các hội, hiệp hội ngành hàng liên quan ở trong nước và quốc tế. Đây là việc vô cùng quan trọng giúp cho việc cập nhật, cung cấp các thông tin mới, thông tin tích cực, kinh nghiệm phát triển cho các hoạt động chuyên môn và dễ tạo đồng thuận, gây hiệu ứng x. hội nhanh nhất cho những vấn đề tham vấn, phản biện mà Hội đề cập.
Hy vọng, trong nhiệm kỳ mới, với những thay đổi về tư duy và hành động, Hội Chăn nuôi Việt Nam sẽ đồng hành cùng sự lớn mạnh và phát triển bền vững của ngành Chăn nuôi Việt Nam.
Dai hoi lan thu VII Hoi Chan nuoi VN: Doan ket – Doi moi – Sang tao phat trien-Hinh-2
 TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đến dự và chúc mừng Đại hội.
Phát biểu chúc mừng Đại hội, TSKH Phan Xuân Dũng, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, Hội Chăn nuôi là hội thành viên của Liên hiệp các Hội KH&KT Việt Nam, nơi tập hợp, đoàn kết đội ngũ các nhà khoa học trong lĩnh vực chăn nuôi. Nhiệm kỳ VI Hội đã tập hợp được số lượng lớn các nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao và nhiệt tình với công tác.
Trong giai đoạn 2017 – 2022, ngành chăn nuôi nước ta đứng trước những thách thức, khó khăn rất lớn, Tuy nhiên, Ban Thường vụ Hội là những cán bộ nhiệt tình, có năng lực giúp Hội điều hành công tác Hội rất hiệu quả. Hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua đều tuân thủ theo Điều lệ và Nghị quyết Đại hội V của Hội đã đề ra, cũng như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết của Đại hội VIII (nhiệm kỳ 2020-2025) của Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam, trong đó Hội đã rất nỗ lực trong công tác kiện toàn tổ chức Ban lãnh đạo, các Ban chuyên môn của Hội và đẩy mạnh các hoạt động chuyên môn. Hội đã củng cố, kiện toàn và tăng cường lực lượng hỗ trợ kỹ thuật cho các đơn vị sản xuất, chăn nuôi. Công tác nghiên cứu khoa học, tư vấn phản biện và giám định xã hội, truyền thông và phổ biến kiến thức luôn được quan tâm.
Về phương hướng hoạt động của Hội Chăn nuôi trong nhiệm kỳ tới, Chủ tịch Phan Xuân Dũng tán thành những kế hoạch mà Hội Chăn nuôi Việt Nam đã đề ra và nhấn mạnh Hội Chăn nuôi Việt Nam tiếp tục đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm vào hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội, tuyên truyền, phổ biến kiến thức KH&CN, nâng cao áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào ngành chăn nuôi, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của Liên hiệp Hội Việt Nam.
Mời quý độc giả xem video: Đại biểu Quốc hội, Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (Vusta) Phan Xuân Dũng đánh giá về kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Video do PV Tri thức và Cuộc sống thực hiện.
 
Thiên Tuấn

>> xem thêm

Bình luận(0)