Nếu như việc các sản phụ và bệnh nhi tử vong ở các bệnh viện diễn ra lẻ tẻ tại nhiều địa phương trong cả nước và nguyên nhân có thể đổ cho “bệnh lý” hoặc sự cứu chữa chưa kịp thời… thì ở ngành y tế thủ đô, trong thơi gian vừa qua liên tiếp xảy ra những vụ “ăn bớt” khiến dư luận không khỏi bằng hoàng .
Ăn bớt vắc xin của trẻ
Sự việc xảy ra ngày 19/4 tại Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội (số 70 Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội).
Theo phản ánh của anh Dương Thái Lam (SN 1984, trú tại Tích Sơn, Vĩnh Phúc) khoảng 9h ngày 19/4, anh đưa con trai là cháu Dương Kiều Phong (SN 2012) đến địa chỉ trên để tiêm vacxin Pentaxim và uống Rotateq (phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút) với giá 1.185.000 đồng một lần tiêm.
Quan sát quá trình làm việc của nhân viên y tế, anh Lam phát hiện thấy nhân viên y tế bóc vắc xin ra, bơm nước cất vào rồi rút thuốc ra. Lọ thuốc sau khi được rút ra không bị vứt vào xô có túi nilon màu đen đựng vỏ lọ để gần đó mà cho vào hộp catton đựng phiếu tiêm.
|
Anh Dương Thái Lam và lọ vắc xin bị ăn bớt |
Nghi ngờ về sự việc, anh Lam thắc mắc và thu giữ được lọ vacxin nhân viên y tế vừa rút thuốc để tiêm cho con anh và phát hiện trong lọ vẫn còn thuốc.
Ngay sau khi sự việc xảy ra lãnh đạo sở y tế Hà Nội đã có mặt tại khu vực tiêm phòng để kiếm tra và kết luận là sự việc hoàn toàn đúng như trình báo. Ngay sau đó, y tế trực tiếp tiêm phòng đã bị đình chỉ.
Sự việc diễn ra, khiến không chỉ người nhà có trẻ nhỏ đi tiêm phòng bức xúc, mà khiến dư luận hết sức bất bình và đặt ra câu hỏi: Liệu bao nhiêu trẻ khi tiêm phòng bị ăn bớt vắc xin? Sự việc đã diễn ra từ bao giờ? Nếu không có sự phát hiện kịp thời này thì nhân viên y tế ở đây sẽ ăn bớt vắc xin của trẻ đến bao lâu?
Nhân bản xét nghiệm để “ăn bớt” tiền BHYT
Đó là sự việc diễn ra tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức, Hà Nội, theo đó Khoa Huyết học bệnh viện này đã tiến hành nhân bản hàng ngàn phiếu kết quả xét nghiệm để ăn bớt tiền BHYT và tiền hóa chất trong quá trình xét nghiêm.
|
Nhân bản kết qủa xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức Hà Nội |
Con số nhân bản này được thống kê từ tháng 7/2012 đến tháng 5/2013, với hơn 1.000 phiếu xét nghiệm huyết học được BV này “nhân bản” và trả cho hơn 2.000 bệnh nhân. Tuy có sự khác nhau về lứa tuổi, bệnh tật nhưng các bệnh nhân đều được cấp cùng 1 kết quả xét nghiệm máu.
Theo kết luận của cơ quan điều tra, việc làm này nhằm thanh toán lấy tiền từ quỹ bảo hiểm y tế chuyển tới các khoa sử dụng chung và mục đích cá nhân, tổng số tiền khoảng trên 60 triệu đồng. Tuy số tiền chưa phải là lớn nhưng những dư âm và ảnh hưởng của nó đối với niềm tin của người dân vào y đức là không hề nhỏ.
Nhập nhèm trong đấu thầu giá thuốc
Đó là sự việc diễn ra tại Bệnh viện Thanh Nhàn (thuộc Sở Y tế Hà Nội), theo phản ảnh của khoa dược BV Thanh Nhàn, hoạt động cung ứng, đấu thầu thuốc tại bệnh viện này rất “có vấn đề”.
Theo đó, phát hiện của khoa dược cho thấy có tới 27 thuốc không có trong danh mục thuốc của Hội đồng thuốc và điều trị đã thông qua trước đó. Trong đó, có 05/27 thuốc trong danh mục thuốc mua theo tên Biệt Dược (chỉ định thầu) là các thuốc khoa Dược không nhận được đề nghị được sử dụng của các khoa lâm sàng trong bệnh viện, chưa bao giờ được sử dụng tại BV Thanh Nhàn và không có bất cứ thành viên khoa Dược nào trong Hội đồng thuốc và điều trị biết và tham gia là: Fortum 1g; Rigofin 1g; Rigotax 1g; Albuminar 25%_50ml; Human albumin 20%_50ml Behring; Amigol 8,5%_500ml đã có trị giá: 5,096,612,000đ. Bệnh viện Thanh Nhàn mua với giá (82.000đ/lọ), cao hơn nhiều so với giá thuốc này trúng thầu tại Bắc Giang (67.500đ/lọ), BV Bạch Mai (62.160đ/lọ).
|
Thông báo xác minh đơn thư phản ánh những sai phạm của bệnh viện Thanh Nhàn trong hoạt động cung ứng, sử dụng thuốc của Thanh tra Sở Y tế Hà Nội |
Với số lượng mua năm 2012 của bệnh viện Thanh Nhàn (35.766 lọ), số tiền chênh lệch cao hơn so với kết quả trúng thầu của Bắc Giang là: 518.607.000đ và so với kết quả trúng thầu của Bạch Mai: 709.597.440đ. Như vậy có nghĩa là giá trúng thầu của bệnh viện Thanh Nhàn 82.000đ/lọ, thì giá kế hoạch ít nhất cũng phải là 82.000đ/lọ. Đây là một số tiền rất lớn và khoa dược đã có phản ảnh lên Sở Y tế đề nghị cần quy trách nhiệm rõ ràng.
Ngay sau những phản ánh này, Bộ Y tế đã đề nghị Sở Y tế Hà Nội làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra thông tin báo nêu, báo cáo Lãnh đạo Bộ các biện pháp chấn chỉnh tình trạng nêu trênvà có văn bản trả lời gửi về các cơ quan chức năng liên quan tại Bộ Y tế.
“Ăn bớt” cả của bệnh nhân phong
Vụ việc này mới bị đưa ra ánh sáng, khi các cán bộ điều dưỡng ở Khoa điều trị nội trú, thuộc Trung tâm Da liễu Hà Đông, trụ sở ở xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội, phát hiện ngày 14/8, khi một điều dưỡng đi kiểm tra việc uống thuốc của các bệnh nhân bị bệnh phong đang điều trị tại đây.
Ngay sau khi phát hiện sự việc, điều dưỡng viên này đã mời ông Nguyễn Quốc Hồng, Trưởng khoa điều trị nội trú này để vào chứng kiến sự việc trên. Lúc này, ông Nguyễn Quốc Hồng có vào nhưng với lý do ngoài giờ hành chính nên ông không làm việc. Sau đó, điều dưỡng viên này đã điện thoại cho ông Vũ Văn Trình, Phó Giám đốc Trung tâm Da liễu Hà Đông để báo cáo sự việc.
|
Biên bản kiểm tra thuốc uống hàng ngày của bệnh nhân phong tại TTDL Hà Đông |
Qua kiểm tra thực tế 5 bệnh nhân phong đang được điều trị tại Khoa điều trị nội trú này thì tất cả các bệnh nhân này đều không nhận được đủ số lượng thuốc ghi trọng bệnh án cũng như số lượng thuốc đã kho đã xuất ra. Các bệnh nhân này đều thiếu ít nhất hai đến 3 loại thuốc trong tổng số thuốc được phát ra. Mỗi loại thuốc đều thiếu từ 12-24 viên.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã vào cuộc để làm rõ hành vi phát thiếu thuốc trên nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cũng như hình thức xử lý đối với hành vi ăn bớt thuốc của y tá và những người liên quan.