Ve sầu là loài côn trùng không còn quá xa lạ đối với người dân Việt Nam, nhất là vào mùa hè. Nhiều người đã tận dụng mùa ve sầu phát triển rầm rộ để bắt ve về làm mồi nhậu. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết và chế biến các món ăn từ ve sầu không đảm bảo vệ sinh nên không ít người đã phải trả giá vì ham “món ngon, vật lạ” theo mùa.
Nhập viện vì ngộ độc ve sầu
Gần đây nhất là trường hợp bốn nạn nhân ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã phải đi
cấp cứu khẩn cấp do ngộ độc ve sầu (ngày 24/4). Bốn nạn nhân gồm ông N.V.L. (63 tuổi), ông P.V.X. (57 tuổi), ông V.V.L. (35 tuổi) và ông L.V.C. (50 tuổi). Theo lời kể của gia đình nạn nhân, trưa ngày 23/4, trong khi đào đất để trồng cà trong vườn nhà thì ông L. phát hiện ra một ổ ve sầu. Sau đó, ông L. cùng các bạn là ông X., L., C. đã bắt ổ ve sầu, chiên giòn để làm mồi nhậu.
|
Nhiều người tận dụng ve sầu làm món ăn. Tuy nhiên, món ăn này tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với sức khỏe. |
Ăn xong, mọi người bị nôn ói, co giật và cứng đờ người. Người nhà thấy vậy có người tưởng trúng gió nên đã cạo gió cho nạn nhân, có người lại tưởng nạn nhân uống say nên đưa nạn nhân về nghỉ. Tuy nhiên, tình trạng không biến chuyển nên các nạn nhân đã được đưa đến Trung tâm Y tế huyện Đất Đỏ rồi chuyển lên Bệnh viện Bà Rịa nhưng tình trạng bệnh nhân nặng nên trưa ngày 24/4, các nạn nhân được chuyển vào cấp cứu tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM.
Trước đó gần 1 năm (14/5/2012), tại bệnh viên Nhi đồng 1 TP HCM cũng đã từng xảy ra trường hợp ngộ độc tập thể của 15 em do ăn phải nhộng ve sầu nhiễm độc. Theo lời kể của gia đình, ngày 14/5 nhóm bạn gồm có 15 em (từ 3 đến 14 tuổi ngụ tại thị trấn Tân Minh, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận) đã vào rẫy đào nhộng ve sầu về chế biến và cùng ăn. Tuy nhiên, 4 giờ sau khi ăn, các em có biểu hiện nôn ói, rối loạn thần kinh (kích thích, run tay chân, co giật). Lập tức các em được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Hàm Tân và Bệnh viện tỉnh Bình Thuận. Trong đó, 5 em bị nặng nhất được chuyển đến cấp cứu tại Bệnh viện Nhi Đồng 1.
Nấm ký sinh trong ve sầu cực độc
Thực chất ve sầu không phải là loại côn trùng không có lợi cho sức khỏe. Nếu biết cách chế biến, bảo quản hợp vệ sinh thì nó sẽ mang lại nguồn dinh dưỡng rất lớn cho cơ thể. Theo một nghiên cứu của Hiệp Hội Dinh Dưỡng Quốc Tế đã chỉ ra rằng 100g ve chứa 4g nước,71.9g protein, l0.9 gram carbohydrate, nguyên tố vi lượng kali 30 mg, l7 mg kẽm... Nhộng ve có chứa protein cao hơn nhiều so với bất kỳ loại thịt động vật khác và trứng.
Ngoài giá trị dinh dưỡng ve còn có giá trị dược liệu rất cao, theo y học hiện đại, ve sầu, ve sữa chứa một số lượng lớn chitin, trong những năm gần đây là chitin được dùng như là loại thuốc chống lão hóa, chống ung thư và là thực phẩm tăng lực, có giá trị kinh tế rất cao. Ngoài ra, chitin còn giúp mạnh gan, điều hòa huyết áp, giảm đau, cầm máu, khử trùng, cải thiện bệnh tiểu đường, nâng cao vai trò của tiêu hóa, và thậm chí có thể được sử dụng làm da nhân tạo, dây chằng nhân tạo, và các nguyên liệu khác…
|
Ve sâu cũng như các loại côn trùng khác ở dưới lòng đất rất dễ nhiễm các loại nám ký sinh nguy hiểm. |
Tuy nhiên, đại đa số người dân khi bắt ve sầu về chỉ sơ chế qua rồi cho lên chiên giòn và đưa vào bàn nhậu. Chính sự chủ quan đó là nguyên nhân dẫn đến hàng loại vụ ngộ độc do ăn ve sầu.
Bác sĩ Doãn Uyên Vy, Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Đa số những trường hợp ngộ độc do côn trùng là bắt nguồn từ việc người dân có sở thích đi bắt các loại côn trùng như dế, ve, nhộng sâu, đuông dừa, bọ cạp… đem về rửa sạch rồi chiên lên ăn, đôi khi còn nhét thêm hạt đậu phộng vào bụng của chúng để tạo ra một món ăn thơm ngon, hấp dẫn! Tuy nhiên, chính thói quen này đã làm nhiều người mất cảnh giác vì không biết rằng, nếu đào hoặc bắt từ dưới lòng đất lên rất có thể chúng đã bị nhiễm nấm cực độc”.
Giải thích về nguyên nhân hai vụ ngộ độc điển hình trên, bác sĩ Vy cho biết, không chỉ riêng ve sầu mà các loài côn trùng khác như dế, đuông dừa, bọ cạp… cũng chứa các protide. Tuy nhiên, khi chúng sống trong môi trường đất có nhiều các bào tử nấm, trong đó có vô số bào tử nấm độc thì rất nguy hiểm.
Nếu gặp độ ẩm, nhiệt độ, môi trường sinh trưởng thích hợp, thì những bào tử nấm sẽ nhiễm vào các con côn trùng, ấu trùng và phát triển rất mạnh. Chúng sẽ biến thân mình của những con côn trùng, ấu trùng này thành những nơi chứa đầy các sợi tơ nấm độc trong thân và gây ngộ độc nặng cho người nào ăn phải, nếu không kịp thời cứu chữa có thể gây tử vong.
Đồng thời, bác sĩ cũng cảnh báo, mùa hè đang đến, các bậc phụ huynh cần giáo dục cho trẻ và đồng thời phải bổ xung thêm kiến thức từ trung tâm y tế địa phương để biết phân biệt nhộng côn trùng nào có thể ăn được, loại nào có thể gây nguy hiểm đến tính mạng, tuyệt đối không ăn nhộng côn trùng đã chết và bị nhiễm nấm.
TIN LIÊN QUAN