Từ ngày 8/3 đến nay, Việt Nam đã tiêm phòng vắc xin COVID-19 của AstraZeneca cho 11.605 người tại 12 tỉnh. Trong đó ghi nhận 14 trường hợp sốc phản vệ độ 2-3 sau tiêm, trường hợp mới nhất được công bố sáng nay (15/3) bị sốc phản vệ độ 3.
VietNamNet có cuộc trao đổi với GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, Trưởng ban điều hành Dự án Tiêm chủng xung quanh kế hoạch tiêm chủng cũng như độ an toàn của vắc xin AstraZeneca đang tiêm tại Việt Nam.
- Việt Nam mới ghi nhận một trường hợp bị sốc phản vệ độ 3 sau tiêm vắc xin AstraZeneca, trường hợp này có bệnh lý nền gì đặc biệt không, thưa ông?
Tất cả người tiêm vắc xin ngừa COVID-19 đều được khám, khai thác kỹ tiền sử bệnh tật.
Trường hợp này đã được thăm khám và hỏi thông tin tiền sử bệnh tật trước khi tiêm nhưng hiện chưa có thông tin cụ thể về bệnh lý nền.
Chúng tôi đang đề nghị các địa phương tiếp tục theo dõi, đánh giá và họp hội đồng để kết luận nguyên nhân cụ thể hơn.
GS Đặng Đức Anh. Ảnh: Thúy Hạnh
- Sau 1 tuần tiêm đầu tiên, 26% người tiêm có phản ứng thông thường, 0,7% có phản ứng nặng. So với các nước, tỉ lệ phản ứng phụ sau tiêm vắc xin COVID-19 tại Việt Nam có cao hơn không?
Việt Nam vẫn đang theo dõi số liệu từ các nước tiêm vắc xin ngừa COVID-19 trên thế giới. Mỗi loại vắc xin khác nhau có tỉ lệ phản ứng phụ khác nhau. Tỉ lệ phản ứng phụ tại Việt Nam nhìn chung nằm trong giới hạn khuyến cáo của nhà sản xuất cũng như WHO và các cơ quan khác có trách nhiệm trong đánh giá an toàn, hiệu quả của vắc xin.
Đây là lần đầu tiên Việt Nam cũng như nhiều nước triển khai tiêm vắc xin COVID-19. Vì vậy chúng ta phải vừa tiêm, vừa đánh giá tính an toàn và tiếp tục theo dõi số liệu báo cáo về tính an toàn ở các quốc gia có sử dụng vắc xin AstraZeneca.
- Trong bối cảnh hiện tại, làm sao để vừa tiêm chủng nhanh vừa an toàn?
Không riêng vắc xin AstraZeneca, hầu hết các loại vắc xin khác cũng đều có phản ứng sau tiêm với một tỉ lệ nhất định. Điều quan trọng là có theo dõi, đánh giá. Bộ Y tế đã đề nghị tất cả địa phương ghi nhận trường hợp có phản ứng sau tiêm, thành lập Hội đồng chuyên môn để đánh giá nguyên nhân, trong thời gian sớm tới đây sẽ có phản hồi.
Hiện tại, WHO và các đơn vị chuyên môn khác vẫn khuyến cáo các quốc gia tiếp tục tiêm vắc xin, cân nhắc lợi ích vắc xin và nguy cơ dịch bệnh. Đến nay cũng chưa có bằng chứng về mối liên hệ giữa vắc xin AstraZeneca với các trường hợp bị đông máu.
Vì vậy Việt Nam vẫn tiếp tục tiêm vắc xin như kế hoạch.
- Với lô vắc xin đầu tiên đang triển khai, Việt Nam dự kiến tiêm trong bao lâu và kế hoạch chích ngừa cả năm tới như thế nào, thưa ông?
Hiện tại Việt Nam mới tiêm được hơn 11.000 liều, chiếm 1/10 trong số hơn 117.000 liều đầu tiên chúng ta nhận được. Số lượng còn lại, dự kiến từ nay đến cuối tháng 3 chúng ta sẽ tiêm hoàn tất.
Từ nay đến tháng 4, Việt Nam sẽ nhận thêm 4,1 triệu liều vắc xin AstraZeneca từ chương trình COVAX và từ nguồn đặt mua, khi đó sẽ triển khai tiêm tiếp cho các đối tượng ưu tiên tiếp theo, đúng tinh thần Nghị quyết 21 của Chính phủ.
Kế hoạch của Việt Nam là mong muốn tiêm đủ cho 150 triệu liều trong năm nay để phòng dịch bệnh, chúng ta đang triển khai từng bước tùy theo lượng vắc xin về nước.
Xin cảm ơn ông!