Mùa hè nhu cầu giải khát, giải nhiệt ngày càng gia tăng đối với đại đa số mọi người. Trong khi các loại nước tăng lực liên tục bị cảnh báo thì người dân lại tìm đến những loại cỏ cây hoa lá có sẵn trong tự nhiên nhằm giải nhiệt cho cơ thể. Trong đó có nhân trần. Tuy nhiên ít người biết được rằng, sự lạm dụng và thiếu hiểu biết khi sử dụng đang là “con dao” hai lưỡi gây hại cho sức khỏe khi sử dụng.
Sử dụng từ vỉa hè đến trong nhà
Trong những ngày hè, dạo quanh các quán nước vỉa hè từ các bến xe, bến tàu đến các ngõ ngách Thủ đô đâu đâu cũng có hai loại nước nhân trần và trà đá. Nước nhân trần ngày càng được nhiều người ưa chuộng, vì theo quan điểm của những người sử loại nước này, nhân trần không chỉ mát, tốt cho gan, thận mà còn là loại nước dể uống, giúp ngủ ngon hơn.
Bác Hoàng Bình Minh (Khu tập thể Đại học Sư phạm Hà Nội) cho biết: “Gia đình tôi từ lâu đã sử dụng nhân trần và coi đó là đồ uống hàng ngày không thể thiếu”. Bác Minh giải thích, nhân trần đã được nhân dân ta sử dụng từ lâu, nó có tác dụng thanh nhiệt, mát gan đặc biệt là những người đã nhiều tuổi dùng loại nước này rất dễ ngủ.
Không chỉ trong gia đình, ngày càng nhiều người sử dụng loại nước này khi ngồi ở các quán nước vỉa hè. Xuân Trường, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên Truyền cho biết: “Trước mình hay uống trà đá, nhưng sau khi uống nhân trần mình lại rất thích món này”. Theo Trường, "nhân trần không chỉ dễ uống mà nó rất mát, đặc biệt khi uống có vị ngọt ngọt của cam thảo nên uống dễ vào hơn. Không chỉ thế, nhân trần có thể uống cả lúc đang đói còn trà đá mà uống khi đói thì nôn nao, cồn cào không thể chịu được”.
|
Nước nhân trần được rất nhiều người sử dụng tại gia đình cũng như quán cóc vỉa hè. Nguồn: Internet |
Ánh Quyên, học viên cao học tại Học viện Báo chí chia sẻ: “Từ khi xuống Hà Nội học mỗi khi tụ tập ở quán nước mình chỉ dùng nhân trần, dùng lâu thành nghiện món này, vì dễ uống và rất dễ ngủ”, Ánh Quyên cũng cho biết, không chỉ có bạn nghiện và thường xuyên dùng loại nước này, mà rất nhiều bạn gái khác khi ra quán cũng chỉ dùng nhân trần.
Cô Hồng một người bán nước tại KTX Học viện Báo chí cho biết, người bán nước thường mua cả cây dài nhân trần, sau đó về chặt nhỏ và đun trong nước sôi. Để dễ uống tất cả những người bán nhân trần đều cho thêm cam thảo nhằm tăng vị ngọt. Vì thế quy trình chế biến đảm bảo an toàn chứ không như những loại nước khác “khuất mắt trông coi”.
Sự kết hợp “chết người” khó tin
Ở Việt Nam, nhân trần thường mọc hoang ở vùng đồi núi, bờ ruộng, bãi đất trống, loại cây này có thể gieo trồng bằng hạt.Trong cây nhân trần có tinh dầu như cineol và flavonoit. Đây là loại cây thường được dùng làm nước uống hàng ngày.
Theo Thạc sỹ Hoàng Khánh Toàn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhân trần có tác dụng làm tăng tiết và thúc đẩy quá trình bài xuất dịch mật, bảo vệ tế bào gan, ngăn ngừa tình trạng gan nhiễm mỡ, làm hạ huyết áp, thúc đẩy tuần hoàn, giải nhiệt, giảm đau và chống viêm. Nó có khả năng ức chế một số vi khuẩn như tụ cầu vàng, thương hàn, phó thương hàn, mủ xanh, e.coli, lỵ, song cầu khuẩn gây viêm não, viêm phổi và một số loại nấm…
Tuy nhiên, không phải ai cũng sử dụng được nhân trần, vì nếu không bị bệnh mà sử dụng với mật độ quá nhiều, hay sử dụng như một thói quen thay nước như những trường hợp trên thì vô tình nó lại phản tác dụng và gây bệnh cho cơ thể. Đặc biệt, có vài trường hợp chống chỉ định không nên dùng nhân trần.
|
Nhân trân là một vị thuốc Đông y, tuy nhiên không nên quá lạm dụng nhân trần. Nguồn: Internet |
Trả lời báo chí, bác sĩ đông y Nguyễn Xuân Hướng, Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho biết, nhân trần có tác dụng lợi mật, nhuận gan. Tuy nhiên, người ta chỉ cần lợi mật khi mật không tiết ra (mật viêm, tắc mật...) và nhuận gan khi gan có vấn đề (tức là khi bị bệnh lý về gan, mật). Nếu không có bệnh mà lại uống hàng ngày, nghĩa là bắt gan và mật không có nhu cầu tiết cũng phải tiết, dẫn tới phải làm việc nhiều hơn nên dễ bị tổn thương, mất cân bằng và sinh bệnh.
Đối với phụ nữ mang thai, nếu không có bệnh lý về gan, không được bác sĩ chỉ định thì tuyệt đối không nên dùng nhân trần. Bởi nếu uống nước này nhiều sẽ làm xuất tiết các tuyến trong cơ thể. Vì vậy, sau khi sinh, người mẹ thường bị mất sữa hoàn toàn hoặc chỉ có rất ít.
Còn về vấn đề kết hợp nhân trần và cam thảo, bác sĩ Hướng cho biết, đây là sự kết hợp “chết người”, vì nhân trần vốn có vị đắng nên để dễ uống, nhiều gia đình hoặc hàng nước vỉa hè để tăng thệm vị ngọt đã kết hợp với cam thảo nhưng ít ai biết được cam thảo có tính chất giữ nước, trong khi nhân trần lại giúp đào thải, hai vị thuốc trái ngược nhau được sử dụng chung sẽ không có lợi cho cơ thể.
Các bác sĩ đông y khuyến cáo, vẫn biết như cầu sử dụng nước trong mùa hè là rất lớn, nhưng để bảo vệ sức khỏe các tốt nhất là người dân nên uống nước lọc, có ghĩ rõ địa chỉ sản xuất có kiểm định của cơ quan chức năng về vệ sinh an toàn thực phẩm, nếu cẩn thận thì nên đun sôi để nguội rồi sử dụng.
Còn đối với các loại nước được chế biến từ các loại cây cỏ, tốt nhất là nên tham khảo ý kiến của các bác sĩ Đông y trước khi sử dụng vì không phải ai cũng có thể sử dụng được. Không nên nghe theo tin đồn hoặc vì sở thích mà vô tình gây hại cho sức khỏe.