Để đạt điểm cao môn Toán trong kỳ thi THPT quốc gia năm nay, ngoài những kiến thức thu nạp được trong suốt những năm phổ thông, các em cũng cần phải có phương pháp học và ôn thi hợp lý với sức học và mục tiêu của mình. Dưới đây Kiến Thức đưa ra những bí quyết giúp các bạn ôn thi tốt môn Toán phục vụ cho kỳ tuyển sinh đại học năm nay.
Theo thầy Trần Ngô, nguyên tổ trưởng tổ toán trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP HCM, để ôn thi tốt môn toán, về nội dung, học sinh cần theo sát hướng dẫn chuyên môn của bộ và sở mà giáo viên ôn tập trên lớp.
Về phương pháp thực hiện cần lưu ý những điểm sau:
- Phải nắm vững kiến thức, tức là nhớ các công thức, định lý và biết cách vận dụng chúng để giải được bài tập.
- Nên tự làm các bài tập và làm lại các ví dụ trong sách giáo khoa, sách bài tập trước khi xem lời giải để so sánh những phần mình còn thiếu sót.
|
Để ôn thi môn Toán thật tốt, học sinh nên tự làm các bài tập và làm lại các ví dụ trong sách giáo khoa, sách bài tập trước khi xem lời giải. Ảnh minh họa. |
- Khi làm xong một bài toán nên tập thói quen kiểm lại kết quả vừa tìm được vì nếu không rất dễ bỏ qua nhũng sai sót một cách ngớ ngẩn.
- Muốn làm một bài toán đạt hiệu quả cao, ta cần có cả kiến thức và kỹ năng thực hành, phải biết cách giải, tính toán chính xác, nhanh gọn. Có nhiều học sinh khi nghe giảng thì hiểu nhanh nhưng khi trình bày một bài giải hoàn chỉnh lại tỏ ra lúng túng. Nguyên nhân chính là khi ôn tập các em thường chỉ nghĩ ra cách giải mà không chịu làm đầy đủ các bước để đi đến kết quả cuối cùng. Vì vậy, khi vào phòng thi, với khối lượng công việc nhiều, trong tâm trạng căng thẳng lại bị khống chế thời gian nên dễ mắc sai sót, nhầm lẫn.
- Khi làm bài ở phòng thi ít khi ta đạt được đúng số điểm ứng với khả năng của mình. Cũng bài thi đó nếu làm ở nhà được 8 điểm chẳng hạn, khi làm ở phòng thi chỉ đạt 7 hoặc thậm chí ít hơn. Đó là do chưa chuẩn bị kỹ năng lực làm bài. Do đó, ngoài ôn tập kiến thức còn phải chuẩn bị sức khỏe, tâm lý thoải mái..., phải tự rèn cho mình thói quen làm bài trong điều kiện thời gian bị khống chế, cách trình bày bài rõ ràng, gọn, đủ ý.
- Mỗi người phải biết phát huy tối đa thế mạnh của mình. Sau khi nhận được đề thi phải thật bình tĩnh đọc kỹ toàn thể đề bài rồi chọn làm trước những câu mà mình có thể làm tốt, phân phối thời gian cho mỗi câu một cách hợp lý. Đối với đề thi hiện nay, thời gian để làm một câu (trong 10 câu nhỏ) khoảng 15-20 phút. Tránh tình trạng lao vào làm trước các câu khó, mất nhiều thời gian và sức lực mà không giải được bài, ảnh hưởng đến các câu còn lại.
- Ngoài ra, trong thời gian ôn tập các em cũng cần rèn luyện cho mình thói quen làm bài liên tục 180 phút không nghỉ. Lúc đó vào phòng thi, trí óc ta mới còn minh mẫn đến những phút cuối buổi thi.
Thầy Phạm Quốc Vượng, Giáo viên chuyên luyện Toán ở Hà Nội, người từng hai lần đạt giải ba toán Olympic Toàn Quốc thời sinh viên, chia sẻ: “Quan sát đề thi môn Toán trong những năm gần đây thấy thường có từ 2 đến 3 câu hỏi phân loại học sinh đòi hỏi các em cần có tư duy tổng hợp, còn lại các câu hỏi khác cơ bản bám sát nội dung chương trình các em được học. Như vậy việc học sinh đạt điểm 7 trong đề thi môn Toán không hề khó, chỉ cần các em có phương pháp ôn thi và cách giải đề thi”.
Theo thầy Vượng, với những em học sinh khá, mục tiêu trước tiên các em cần đặt ra là đạt được 6 đến 7 điểm trong kỳ thi. Để đạt được số điểm này, học sinh cần tập trung ôn thi vào các nội dung sau: Hàm số; phương trình- bất phương trình-hệ phương trình Mũ logarit; tích phân; hình không gian; hình giải tích trong không gian; phương trình lượng giác và bài toán tổ hợp-xác suất. Trừ câu hỏi phương trình lượng giác và bài toán tổ hợp-xác suất ra còn lại các nội dung này đều nằm trong chương trình lớp 12 các em vừa mới được học xong vẫn còn nhớ được kiến thức cơ bản nên việc ôn thi rất thuận lợi.
Học sinh khá và giỏi, để đạt được 8 điểm trở lên thì các nội dung trên các em cần phải nắm thật chắc chắn, rèn luyện được kĩ năng trình bày bài nhanh, rõ ràng, ngắn gọn và học thêm các nội dung kiến thức sau: Hình học giải tích phẳng; phuơng trình- bất phương trình vô tỷ; hệ phuơng trình và cuối cùng là bài toán chứng minh bất đẳng thức - bài toán tìm Min, Max. Những nội dung này thường là các câu hỏi dùng để phân loại học sinh. Để đạt được điểm nội dung này ngoài việc nắm kiến kiến thức cơ bản các em cần phải mở rộng, nâng cao và rèn luyện tư duy tổng hợp kiến thức.
Thầy Vượng cũng cho hay, học sinh thường mắc lỗi không định hướng làm câu nào trước câu nào sau do đó không phân phối được thời gian làm bài dẫn đến không đủ thời gian trình bày. Gặp câu hỏi có hướng giải nhưng biến đổi ra giấy nháp chưa ra hoặc không ra kết quả cuối cùng đa số các em bỏ không làm trong bài thi, đây là một sai lầm. Học sinh cần lưu ý thang chấm điểm của Bộ GD-ĐT rất chi tiết các em chỉ cần làm đúng đến đâu là có điểm đến đó.
Một số học sinh làm bài ra giấy nháp sau đó mới chép lại vào giấy thi làm như vậy các em mất rất nhiều thời gian, không có thời gian suy nghĩ câu hỏi khác và khi thấy thời gian không còn nhiều thường các em cuống lên dẫn đến chép sai.
Với một số học sinh khá trở lên thường mắc lỗi khi làm bài mất quá nhiều thời gian cho câu hỏi dễ thậm chí làm nhầm nguyên nhân do khi ôn thi gặp các câu hỏi dễ các em thường coi thường, bỏ qua không rèn luyện kĩ năng trình bày. Đơn cử như trong câu hàm số ý khảo sát và vẽ đồ thị hàm số với học sinh khá, giỏi khi ôn các em thường bỏ qua không rèn luyện kỹ năng dẫn đến khi thi các em trình bày rất lúng túng, mất rất nhiều thời gian trong khi đó nếu rèn luyện kỹ năng thì các em chỉ mất 4 đến 7 phút để làm dạng bài này.