Hãng thông tấn Sputnik dẫn lời phát ngôn viên Praveen Pathak của Liên doanh hàng không vũ trụ BrahMos cho biết, hợp đồng xuất khẩu đầu tiên của dòng tên lửa chống hạm BrahMos do liên doanh Nga - Ấn Độ hợp tác phát triển sẽ chính thức được ký kết vào cuối năm nay cho một quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
“Còn quá sớm để có thể cung cấp bất cứ thông tin cụ thể nào khi quá trình đàm phán vẫn đang được thực hiện, nhưng nếu không có gì phát sinh thì việc ký kết một hợp đồng chính thức sẽ được hai bên thực hiện vào cuối năm nay,” Pathak nói hãng thông tấn RIA Novosti.
Ông này cũng cho biết thêm rằng, đa phần các quốc gia thuộc khu vực châu Á-Thái Bình Dương không hề có xung đột lợi ích với Nga hoặc Ấn Độ do đó việc xuất khẩu BrahMos sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào.
|
Trong quốc gia thuộc châu Á-Thái Bình Dương thì các nước Đông Nam Á là khu vực nhiều khả năng sở hữu BrahMos đầu tiên.
|
Cũng theo đại diện của liên doanh BrahMos, biến thể không đối đất của dòng tên lửa hành trình siêu âm này sẽ bắt đầu được thử nghiệm trên những chiếc tiêm kích đa năng Su-30MKI của Không quân Ấn Độ trong vòng từ 1-2 tháng nữa.
Đây là lần đầu tiên biến thể không đối đất của BrahMos được thử nghiệm trên không sau một thời gian dài phát triển và chúng đều có thể được tích hợp trên các dòng tiêm kích đa năng Su-30 do Nga sản xuất. Chương trình thử nghiệm này dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 12 năm nay.
Tên lửa hành trình chống tàu BrahMos được phát triển dựa trên nền tảng tên lửa -800 Yakhont do Liên Xô chế tạo, nó có trọng lượng 3 tấn, dài 8,4m, đường kính thân 0,6m, lắp đầu đạn xuyên giáp nặng 300kg.
BrahMos có thể đạt tốc độ tối đa Mach 2,8 (gần gấp 3 lần vận tốc âm thanh), tầm bắn xa đến 290km. Với tốc độ cực cao, đầu đạn hạng nặng, BrahMos được đánh giá là một trong những loại tên lửa chống tàu đáng sợ nhất thế giới hiện nay.
Hiện tại có khá nhiều quốc gia trên thế giới để ý tới mẫu tên lửa hành trình này của liên doanh Nga-Ấn trong đó có cả Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á khác.