Nghề lạ
Một ngày mưa tháng 10, chúng tôi tìm đến chợ heo (lợn) Bà Rén (xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Đây được xem là khu chợ buôn bán heo lớn nhất Việt Nam. Được thành lập vào khoảng năm 1970, chợ heo nằm sát quốc lộ 1A, gần cầu Bà Rén.
Ngày nào cũng vậy, không kể nắng mưa, chợ heo ở đây thường bắt đầu đông từ lúc 5h và kết thúc vào 10h sáng. Khu chợ đang tấp nập kẻ mua, người bán, đa phần là người dân và thương lái tại các huyện của tỉnh Quảng Nam như Duy Xuyên, Thăng Bình, Quế Sơn... Heo ở đây được tập trung từ các thương lái hoặc chủ trang trại nuôi heo tại địa phương.
|
Ảnh minh họa.
|
Đằng sau sự sầm uất của khu chợ là cuộc sống của những phụ nữ tất bật mưu sinh kiếm sống. Không ngại bẩn, mưa nắng hay nặng nhọc, họ vẫn cần mẫn làm nghề bồng (bế) heo thuê tại chợ Bà Rén. Đây được xem là cái nghề nghề độc nhất vô nhị ở Việt Nam và đem lại nguồn thu nhập cho nhiều phụ nữ thôn quê.
Lúc nghề bồng heo thuê này chưa ra đời, mỗi lần cân heo giống là một lần khó khăn vì nhốt heo vào rọ hay trói để cân sẽ làm heo bị trầy xước, mất giá. Đồng thời, bán xong mà còn khiêng heo cho khách thì rất mất thời gian.
Chính vì thế, chỉ có cách thuê người "bồng heo" để cân và khiêng heo cho khách là dễ dàng và thuận lợi nhất. Từ đó, cái nghề bồng heo thuê tại đây đã dần hình thành và phổ biến rộng rãi. Trong khung cảnh hối hả của phiên chợ heo, chúng tôi được nghe nhiều câu chuyện mưu sinh thú vị của những người phụ nữ làm nghề “phu heo”. Người bồng heo thuê ở chợ heo Bà Rén đa phần là phụ nữ nông thôn. Họ lặn lội lên chợ heo Bà Rén mưu sinh với nhiều cảnh khổ khác nhau. Việc kiếm đồng tiền từ việc bồng heo thuê rất khó khăn. Họ phải đánh đổi bằng mồ hôi, giọt nước mắt và công sức để kiếm tiền mưu sinh. Bồng mỗi con heo chỉ được trả công 500 – 1.000 đồng. Tiền công mà họ làm ra mỗi ngày tuy ít nhưng thật giá trị. Đó là tiền để mua thêm cân gạo hay bộ quần áo, tập vở cho những đứa con nhỏ ở nhà. Giữa bốn bề chợ búa tấp nập, mỗi người một gia đình, hoàn cảnh khác nhau nhưng sự vất vả, gian truân nơi chợ heo nghèo đã gắn kết họ lại gần sau. Sự giúp đỡ khi bồng giúp con heo, hay sự quan tâm từ câu chào xã giao cũng làm những người phu heo ấm lòng.
Trong công việc, dù có lúc mặc cảm vì phải bế những con heo bẩn thỉu nhưng tinh thần thông cảm lẫn nhau đã giúp những mảnh đời nghèo vượt qua tất cả. Người làm nghề bồng heo đòi hỏi phải có sự yêu nghề và nhẫn nại. Đây là nghề đặc biệt, không đòi hỏi sự khéo léo nhưng lại cần tính thận trọng, chịu khó vì suốt ngày phải tiếp xúc với heo. Ở chợ heo Bà Rén, thương lái thường chọn những phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn rồi bảo các chị bồng heo lên cân. Sau khi có kết quả, họ trừ đi trọng lượng cơ thể của người, còn lại là trọng lượng thực tế của con heo.
Cô Nguyễn Thị Yến (ở Thăng Bình, Quảng Nam) tâm sự: “Cái nghề ni khó khăn lắm chú ơi. Đôi khi mình bồng heo còn dính phân nữa kia, nhớp nháp, bẩn thỉu lắm. Nhưng chúng tôi vẫn làm vì miếng cơm manh áo, với lại cũng quen rồi. Bồng mà không chắc, sơ xảy là heo chạy mất chứ không giỡn chơi. Mà mất thì tiền mô mà đền”. Giọng Quảng chân chất của cô Yến vang lên, rõ mồn một giữa phiên chợ. Nhìn cảnh những phụ nữ với bộ quần áo tả tơi, lấm lem, hôi hám vì phân heo đang ráng sức bồng những chú heo con vào lòng để đứng lên cân mới thấy sự khó nhọc và cái giá mà họ phải đánh đổi để kiếm được đồng tiền từ lao động chân chính.
Kể về cuộc sống của mình, chị Ngô Thị Sen (40 tuổi, quê ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) cho biết:“Chồng tôi chết sau vụ tai nạn giao thông vào đầu năm 2000. Một mình tôi phải nuôi 2 đứa con ăn học. Sáng thì bồng heo tại chợ Bà Rén, chiều thì phải tranh thủ làm công việc đồng áng”.
Cuộc sống mưu sinh đè nặng trên đôi vai của phụ nữ này. Đôi lúc, chị cảm thấy mệt mỏi, nhưng nghĩ về những đứa con thơ ngây của mình, chị lại ánh lên niềm hy vọng. Chị miệt mài lao động không biết mệt mỏi vì tương lai của hai đứa con.
Tình người
Những người phụ nữ quê chân chất, có cuộc sống vất vả nhưng họ luôn giữ được tinh thần hăng say lao động. Nhìn hình ảnh những người phụ nữ với bộ quần áo đã cũ, bồng heo để kiếm những đồng tiền để nuôi sống gia đình, lòng tôi có một sự đồng cảm đến kỳ lạ.
Những con người luôn thấy hãnh diện khi đồng tiền được làm ra từ chính bàn tay và mồ hôi của mình. Tưởng rằng những người phụ nữ bồng heo thuê ở chốn chợ búa này sẽ có nhiều sự cạnh tranh để kiếm được nhiều tiền hơn. Nhưng ngược lại, tình người và cử chỉ của những “phu heo” ở chợ Bà Rén lại rất đẹp. Họ giúp đỡ nhau trong công việc một cách nhiệt tình, chia sẻ và cảm thông cho hoàn cảnh của nhau.
Cô Nguyễn Thu (55 tuổi, ở huyện Điện Bàn) chia sẻ: “Cái nghề buôn bán heo này trông nhớp nháp vậy thôi nhưng có nhiều niềm vui lắm. Những người làm nghề này đa phần là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương, nên những đồng nghiệp như tụi tui luôn cảm thông và hiểu hoàn cảnh của nhau. Trong phiên chợ lộn xộn vậy chứ chúng tôi không giành giật khách hàng mà ngược lại, luôn nhường nhịn và giúp đỡ nhau. Đó là điều mà tôi yêu công việc này”.
Nói ngắn gọn về cuộc sống của những người phụ nữ bồng heo thuê thì đó là sự đùm bọc, giúp đỡ nhau giữa những mảnh đời cơ cực, khó khăn. Giữa một cái chợ luôn nồng mùi phân heo thì những người phụ nữ ấy vẫn như những đóa hoa tỏa hương thơm ngát. Vất vả là thế, nhưng cái nghề độc đáo này vẫn được những phụ nữ nơi đây trân trọng vì đó là miếng cơm manh áo của họ, và hơn hết, vì tình cảm ấm áp giữa người với người. Rời chợ heo Bà Rén, chúng tôi có cái nhìn sâu sắc hơn về cuộc sống, về sự kiên cường và chân chất của những người phụ nữ xứ Quảng.