Gian truân phận nữ “ẵm heo” ở chợ Bà Rén

Google News

(Kiến Thức) - Nặng nhọc, nhớp nhúa và không kém phần nguy hiểm nhưng gần nửa thế kỷ qua, công việc “ẵm heo” là kế sinh nhai của hàng trăm chị em phụ nữ nơi đây.

Chợ heo lớn nhất nhì Việt Nam

Chợ heo Bà Rén được coi là chợ đầu mối heo lớn nhất nhì của Việt Nam, án ngữ ngay trên quốc lộ 1A, thuộc xã Quế Xuân 1, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam. Người dân nơi đây có câu: “Ai về Bà Rén ghé chợ heo/Vui tai, bắt mắt, chuyện tầm phèo/Heo ré, người xung vung bao chuyện/Trưa tan buổi chợ đã lèo nhèo”.

Chợ heo Bà Rén đông và sầm uất nhất từ 6h-10h sáng.

Khi bóng đêm vẫn còn chiếm lĩnh không gian, vài tiếng còi và ánh đèn của những chuyến xe khách Bắc - Nam vụt qua, những phận nữ mưu sinh bằng nghề cửu vạn nơi chợ heo đã thức dậy. Ăn lót dạ lúc 4h sáng, mặc một bộ quần áo đã sờn vải, đầu đội nón cời và không quên mang theo ca nước chè, những người phụ nữ tất tả ra chợ Bà Rén.

Vừa rạng sáng, những dòng người, xe cộ khắp nơi đổ về khiến khu chợ nhanh chóng đông đúc, không khí kẻ bán, người mua cùng những phận đàn bà mưu sinh bằng nghề “ẵm heo”, khuân vác thuê…  nhộn nhịp, tấp nập.

 Ẵm heo tầm 20kg là việc luôn tay của các chị em.

Chợ heo đông vui và sầm uất nhất từ 6 đến 10 giờ sáng. Vào thời điểm đó, những chuyến xe chở đầy rọ heo tập kết về để chuẩn bị đưa lên xe tải ra Bắc vào Nam.

Theo cụ Lê Thị Liên (73 tuổi), người đã một đời bám trụ với chợ heo này tâm sự: “Chợ Bà Rén được lập ra trước giải phóng chừng chục năm để làm nơi tập kết heo. Dần dần, do nhu cầu, chợ họp thường xuyên vào các buổi sáng”. 

Nghề “ẵm heo lấy hên”

Ở chợ heo Bà Rén, mỗi khi có chiếc xe chuyên chở heo đến là từng tốp chị em xông xáo chạy đến khiêng từng rọ heo to đặt xuống đất. Sau đó, họ lại đưa hai tay ôm rọ heo vào người để chuyển heo sang các rọ to hơn chờ xuất bến. Cứ như thế, những người phụ nữ cặm cụi chạy tới, chạy lui “ẵm heo” cho đến hết phiên chợ.

Có chị lái buôn nói vui: “Được ôm ông “Thiên Bồng Nguyên Soái” là sướng nhất còn gì bằng. Nhưng nói ra chứ chị em tui bán ở đây không nhờ tay ẵm bồng của các chị chắc cũng khó bán. Các chị như đem lại vận hên cho gia chủ mua heo về nuôi, nhất là heo sữa, heo Móng Cái”.
  
 Một chị lái buôn thử ôm một con heo con như các chị cửu vạn nhưng không được.

Thấy chúng tôi băn khoăn nhìn hai chị em đang khiêng rọ heo áng chừng một tạ rưỡi, chị Thu (35 tuổi) đon đả chia sẻ: “Chừng ấy có nghĩa lí chi em. Mọi khi, 2 chị em tụi chị còn khiêng cái rọ nặng hơn nhiều. Làm miết nên quen thôi, cũng chẳng có gì cực cả”.

Chợ heo Bà Rén ra đời nhiêu năm thì cái nghề “ẵm heo” cũng bấy nhiêu tuổi. Ban đầu, những gia chủ muốn mua heo giống to, khỏe thì nhờ các chị ngắm nghía giúp, mua rồi thì nhờ thả vào chuồng coi như “lấy tay” may mắn cho người nuôi. Về sau, nghề “ẵm heo lấy hên” trở nên chuyên nghiệp và có đến cả một đội chị em sẵn sàng giúp đỡ gia chủ.

Đại đa số chị em phụ nữ “ẵm heo” ở độ tuổi trung niên, từ 35-50 tuổi. Bởi vì họ quan niệm, những chị em chưa đạt độ tuổi này sẽ không có độ chín chắn và kinh nghiệm để làm “sứ mệnh” đem may mắn đến cho gia chủ, nếu cao tuổi hơn thì không còn sức khỏe và sự dẻo dai để làm công việc nặng nhọc.

Do quen biết lâu năm giữa những lái buôn và chị em ở chợ, giá “ẵm heo” gần như đã định sẵn, không cần mặc cả, heo con thì giá 500đ/con, còn heo lớn thì gia chủ hay lái buôn thưởng thêm. So với các nghề khác, nghề “ẵm heo” thu nhập ít ỏi, thậm chí nhiều chị em nói vui là quá “bèo”.

Chị Tư Mập (theo cách gọi của chị em chợ Bà Rén) cho biết: “Làm 3 tiếng đồng hồ cũng kiếm được 50 chục ngàn đồng chứ ở nhà làm chi ai cho từng đó đâu”. Nói rồi chị Tư cầm trên tay 5.000đ, tiền công 10 lượt “ẵm heo” khoe với chúng tôi. Với nhiều người, số tiền rất nhỏ, không đủ 1 tách cà phê hay một bữa sáng, nhưng với các chị đó là những đồng tiền “xương máu”. 

 Công việc "ẵm heo" thực sự rất vất vả mà thu nhập ít ỏi.

Tình người nơi chợ búa…

Cùng cảnh “chân lấm tay bùn” từ các làng xóm nông thôn nghèo khó tìm kế sinh nhai, những người phụ nữ “ẵm heo” ở chợ Bà Rén không hề cãi vã, chửi bới hay tranh giành phần việc như những nơi khác.

“Chị em ở đây luôn đùm bọc, che chở cho nhau. Họp chợ từ sáng tinh mơ đến gần trưa nhưng việc ai nấy làm, không lời ra tiếng vào hay to tiếng. Nếu có thì chẳng qua là sự không ưng ý, không hiểu nhau mà thôi, khi qua rồi thì chị em lại “tay bắt mặt mừng” như thường. Cũng chính vì vậy mà cho dù tồn tại gần nửa thế kỷ qua gần khu dân cư đông đúc nhưng họ chưa bao giờ làm phiền hà người dân nơi đây” - ông Huỳnh Quới, một người dân sống gần chợ vui vẻ cho biết.

Cụ Lê Thị Liên chia sẻ thêm: “Chính cái nghèo cái khổ đã đưa đẩy chị em đến với nhau và hiểu nhau hơn, có khi còn phụ khiêng vác giúp nhau khi hết việc… Nói chung là chị em coi nhau như một nhà.

Nghe nói nghề “ẵm heo” ai cũng nghĩ là dễ như ẵm cháu, bồng con ở nhà.  Thực tế nó vất vả, trầy trật phơi nắng phơi mưa, hại sức khỏe lắm. Tuy nhiên, cũng chính cái nghề này mà biết bao chị em đã trụ vững, nuôi con ăn học trưởng thành, giúp ích cho đời”.

Ông Phạm Cư, người quản lý chợ heo Bà Rén cho biết: “Đây là chợ heo đầu mối nổi tiếng cả nước. Mỗi ngày có đến hàng trăm, thậm chí hàng ngàn con heo giống được tập kết về, rồi lại lần lượt được các chị em khuân vác, ẵm bồng lên xe đi khắp mọi miền Tổ quốc. Và cũng chưa có một chợ heo nào náo nhiệt và sầm uất như đây. Nét riêng của chợ heo Bà Rén đó có lẽ là hình ảnh những nữ cửu vạn”.

Hà Kiều

Bình luận(0)