Lưng còng, tóc bạc đẩy xe hàng

Google News

Không chỉ có phụ nữ trẻ làm cửu vạn, tại cửa khẩu Tân Thanh còn có nhiều U70, U80 lưng còng, tóc bạc đẩy xe hàng.

Không chỉ có phụ nữ trẻ làm cửu vạn, tại cửa khẩu Tân Thanh còn có nhiều U70, U80 lưng còng, tóc bạc đẩy xe hàng.

Mới tảng sáng, cửa khẩu Tân Thanh - Lạng Sơn đã nhộn nhịp những chuyến xe hàng từ Trung Quốc qua. Thấy chiếc xe container lầm lũi chạy vào bãi đáp rộng thênh thang, nhóm cửu vạn đã chực chờ sẵn từ tờ mờ sáng chăm chú đợi chờ.

Những kiện hàng vuông vắn đầu tiên được chuyển xuống thân chiếc xe xích lô Tàu, loại xe thồ sử dụng phổ biến nhất ở cửa khẩu Tân Thanh do phụ nữ điều khiển. Ở đây, 10 cửu vạn có đến 9 nữ. Là cửu vạn nữ nhưng sức khỏe không thua kém cánh đàn ông. Họ có thể vác cả kiện hàng bát đĩa nặng mấy chục cân là chuyện bình thường.

Như mọi ngày, Nông Thị Tứ có mặt ở nơi tập kết cửu vạn. Tứ cho hay, từ nhà cô xuống đây xa nên phải chuẩn bị từ rất sớm. Ở bản cô có mấy chục người làm bốc vác và chủ yếu là phụ nữ. Tứ năm nay 33 tuổi nhưng có 4 mặt con. Hai đứa đầu nghỉ học, đứa thứ 2 mới vào lớp 1 còn đứa út vẫn còn bi bô tập nói.
Những cảnh tượng này khá phổ biến ở các cửa khẩu.
Những cảnh tượng này khá phổ biến ở các cửa khẩu.
Khi được hỏi tại sao chồng không đi làm cùng, bà mẹ bốn con ấy ngượng ngịu lí nhí: "Chồng em đi làm việc khác". Người chị họ của Tứ tên là Nông Thị Ải chen vào: "Chồng nó còn ở nhà chờ vợ mang tiền về mua rượu". Ải và Tứ cùng chung một đội lấy công chia đôi.

Hoàn cảnh của Ải cũng không mấy sáng sủa hơn em. Chồng Ải qua đời 2 năm nay khiến người phụ nữ này phải vất vả gồng gánh nuôi 3 đứa con trong đó một đứa đang theo học cao đẳng ở Hà Nội.

"Nó đỗ cao đẳng ở dưới đó năm ngoái cơ. Nhà không có tiền bảo không đi nữa nhưng con quyết đi bằng được. Tôi nghĩ lại, cho con đi học sau này sẽ sướng hơn mình", Ải tâm sự.

Từ sáng, hai chị em Tứ, Ải mới chỉ nhận 2 chuyến hàng chở vải vóc. Mỗi ngày bắt đầu từ tảng sáng đến tối cùng lắm cả hai cũng chỉ nhận được từ 6 đến 7 chuyến hàng, còn lại là vác hàng đến nơi tập kết của xe.

Mỗi chuyến hàng vận chuyển bằng xích lô Tàu, xe thùng, Ải và Tứ nhận được khoảng từ 20.000 đến 25.000 đồng. Đó là công cao và mới được nâng lên theo giá cả thị trường. Ở cửa khẩu, việc nhiều nhưng người cũng nhiều nên chẳng có cơ hội mặc cả giá.

Sau mỗi chuyến hàng, các cửu vạn lại ngồi tụ tập với nhau bàn tán rồi đếm những xếp tiền lẻ được trả công. Thời điểm giữa năm, công việc ít nhưng những cửu vạn nữ ở đây không bao giờ tranh giành việc. Thậm chí, họ còn giúp đỡ nhau để khi hết ngày ai cũng có một vài đồng giắt lưng về nhà.

Không chỉ có phụ nữ trẻ làm cửu vạn, tại cửa khẩu Tân Thanh còn có nhiều U70, U80 lưng còng, tóc bạc đẩy xe hàng. Hoàn cảnh khó khăn nên dù già họ vẫn "xung phong ra trận" để kiếm đồng rau cháo qua ngày.

Bà Nông Thị Bàn, năm nay 72 tuổi nhưng chân tay còn khỏe và đôi mắt tinh anh. Hàng sáng, bà lại túc tắc đến cửa khẩu, đầu đội chiếc nón mê lụp xụp, chân đi đôi dép tổ ong rộng, miệng cười tươi roi rói. Bà cũng chỉ mới ra nhập đội quân cửu vạn ở cửa khẩu này hơn một năm nay.

Thấy bà còn khỏe lại làm cẩn thận và không lăn tăn chuyện tiền công nên nhiều chủ hàng mời chào. Biết hoàn cảnh của bà nên khi trả công nhiều chủ hàng chủ động đưa dôi ra chút để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn của cửu vạn già. "Tôi già rồi không đọ được với đám trẻ, mình túc tắc làm được đồng nào hay đồng đó thôi", bà Bàn chia sẻ.

Trường hợp của bà Bàn chỉ là một trong số hàng chục bà cụ bước qua ngưỡng tuổi xưa nay hiếm mưu sinh bằng nghề cửu vạn ở Tân Thanh. Ngoài bà Bàn, bà Nông Thị Nhời, Hoàng Thị Phiên cũng ngoài 70 tuổi vẫn đều đặn hằng ngày bốc vác ở cửa khẩu mưu sinh.

"Già rồi, biết công việc nặng nhọc nhưng chúng tôi thì có việc gì để làm ra tiền đâu. Còn tí sức thì còn phải làm. Ngày được vài chục nghìn là tốt lắm rồi. Ốm đau có tiền thuốc không phải vay mượn ai là đỡ phải lo, gạo hết có tiền đong thì không phải đói. Vất vả một tí cũng không sao cả", Bà Phiên cho biết.

Có hôm những cửu vạn già như bà Bàn, bà Phiên chỉ được hơn 30.000 đồng nhưng có việc làm, có tiền dù ít ỏi họ vẫn vui.

Mỗi ngày, trung bình một cửu vạn nữ khỏe mạnh ở vùng biên thu nhập khoảng từ 80.000 đến 150.000 đồng. Tất cả số tiền công ấy được chia đều cho từ 4 đến 5 miệng ăn đang chờ chực ở nhà. Phần lớn những nữ cửu vạn có đông con cái hoặc chồng thất nghiệp, ốm yếu không kiếm ra tiền, không làm được việc nặng.

"Dù tiền công giờ có cao hơn trước, việc nhiều hơn trước nhưng để lo đủ cuộc sống thì còn nhiều khó khăn lắm. Chúng tôi đều là đàn bà lại gánh vác kinh tế gia đình, bao nhiêu thứ tiền phải lo hàng ngày nhưng cứ bốc vác mãi cũng không để ra được đồng nào", chị Nông Thị Phi cho biết.

Tiền công hôm nay chỉ vừa vặn chi tiêu cho ngày mai đó là thực tế hoàn cảnh của những gia đình nữ cửu vạn. Mỗi sáng khi xuống tới nơi tập kết, những người phụ nữ lại tỉ tê kể câu chuyện của gia đình mình như để động viên nhau. Mỗi người chia nhau chút việc, giúp đỡ nhau chút sức để có đồng tiền công mang về.

"Mùa này không có nhiều việc mà phải tầm 2-3 tháng cuối năm. Lúc ấy nhiều hàng, nhiều người thuê thu nhập tăng lên gấp đôi, khoảng trên 200.000 một ngày. Những tháng đó ở đây tấp nập, nhộn nhịp lắm", chị Phi cho biết thêm.

Công việc đều nhưng đôi khi có người vẫn chịu trống công. Có hôm ngồi chờ dài cổ cũng chỉ được một hai người thuê chở hàng, bốc vác. Ngày công đó chỉ đủ tiền mua vài cái bánh mì và chai nước là hết nhẵn.

Chủ hàng thích thuê người quen, người uy tín và đều đặn nên nhiều phụ nữ ốm nhợt nhạt vẫn xuống cửa khẩu chở hàng vì sợ mất mối. Họ bám chặt với cửa khẩu, những chiếc xe ba gác, bám chặt những con dốc dài bằng đôi giày bata cũ nát để mưu sinh.

(Theo Công Lý)
[links()]

Bình luận(0)