Tổng cục Thống kê (GSO) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 năm 2015 giảm 0,21% so với tháng trước, bình quân 9 tháng năm 2015 so với cùng kỳ năm trước tăng 0,74%.
Giải thích rõ hơn về mức CPI tháng 9 này, GSO cho biết, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ chính tính chỉ số CPI, có 7 nhóm tăng: Đồ uống và thuốc lá; may mặc, mũ nón, giầy dép; thiết bị và đồ dùng gia đình; thuốc và dịch vụ y tế; giáo dục; văn hóa, giải trí và du lịch; và hàng hóa và dịch vụ khác. Còn 4 nhóm hàng hóa và dịch vụ giảm giá, gồm: Hàng ăn và dịch vụ ăn uống; nhà ở và vật liệu xây dựng; giao thông; bưu chính viễn thông.
Về nguyên nhân CPI tháng 9 giảm, GSO cho biết: Do giá xăng được điều chỉnh giảm vào ngày 19/8 và ngày 3/9/2-15. Giá xăng dầu giảm làm cho nhóm giao thông giảm 3,17% góp phần giảm CPI chung của tháng 9 khoảng 0,28%.
Cùng với đó, từ ngày 1/9/2015 giá gas trong nước điều chỉnh giảm 12.000 đồng/bình 12 kg. Đây là tháng thứ tư liên tiếp giá gas liên tục giảm nhẹ với tổng mức giảm là 37.500 đồng/bình 12 kg. Đồng thời, CPI giảm còn nhờ thời tiết chuyển sang mùa Thu nên nhu cầu sử dụng điện giảm làm cho chỉ số giá điện sinh hoạt giảm. Giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm giảm nhẹ do nguồn cung dồi dào cùng với giá xăng dầu giảm làm chi phí vận chuyển giảm nên chỉ số lương thực, thực phẩm giảm.
Bên cạnh đó, có các yếu tố làm tăng CPI như: Có 25 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng học phí và nhu cầu tiêu dùng sách vở, đồ dùng học tăng cho học sinh vào năm học mới tăng cao làm cho chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 1,24% đóng góp vào CPI chung 0,07%.
Giá dịch vụ y tế một số tỉnh được điều chỉnh tăng (theo lộ trình của Thông tư liên tịch số 04/2012/TTLT-BYT-BTC ngày 29/2/2012) làm cho chỉ số giá dịch vụ y tế cả nước tăng 0,5% so với tháng trước.
Nhìn lại 10 năm gần đây, GSO cho biết, lần đầu tiên CPI tháng 9 giảm so với tháng trước, CPI tháng 9 năm nay so với tháng 12 năm trước cũng tăng thấp nhất và tăng dưới 1%.